Nhà mạng và doanh nghiệp OTT: Gặp nhau nhưng chưa thể bắt tay!
Nguồn tin từ các công ty điều hành mạng di động Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết, các mạng này đã tiến hành đàm phán với một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT như Zalo, Line, Kakao Talk… tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thỏa thuận hợp tác nào được đưa ra. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó phòng Kinh doanh của Công ty VinaPhone cho biết, bên cạnh đàm phán với các doanh nghiệp OTT về hợp tác cung cấp dịch vụ, Vinaphone còn tính đến việc tự phát triển ứng dụng OTT để cung cấp cho khách hàng. Thực tế cho thấy, nhà mạng có ba cách để hạn chế ảnh hưởng doanh thu do dịch vụ OTT gây ra là: hợp tác với các DN OTT để cung cấp dịch vụ, tự phát triển dịch vụ OTT của riêng mình hoặc mua lại các DN OTT. Về lý thuyết, cách dễ nhất mà nhà mạng có thể tiến hành là hợp tác với các DN OTT. Tuy nhiên, đại diện một DN OTT (không muốn nêu tên) cho hay, sở dĩ không có hợp tác nào trong lĩnh vực này được công bố vì nhà mạng tính đến quyền lợi quá nhiều. Trong khi đó việc hô hào hợp tác đã được các đơn vị nói đến từ đầu năm 2013. Nhà mạng chỉ nghĩ đến quyền lợi trong khi DN OTT đã đầu tư khá nhiều tiền để phát triển ứng dụng nhưng chưa có mấy doanh thu. Còn lãnh đạo một mạng di động lại cho biết giữa DN viễn thông và DN OTT là hai mô hình kinh doanh khác nhau nên khó có thể hợp tác. Trong khi DN viễn thông kiếm doanh thu bằng cách thu tiền gọi, nhắn tin thì DN OTT lại cho gọi điện, nhắn tin miễn phí và thu tiền từ quảng cáo trên ứng dụng. Nhà mạng chỉ có thể hợp tác với DN OTT khi đưa ra gói cước dữ liệu (3G) dành riêng cho dịch vụ OTT hợp tác với DN đó. Nhưng DN OTT lại cho rằng trước mắt nhà mạng nên miễn hoặc thu cước dữ liệu thấp với gói cước hợp tác với DN OTT. “Hiện tại nhà mạng không thể chấp nhận yêu cầu trên bởi vì hiện DN OTT chưa có doanh thu (hy vọng sau này ứng dụng được dùng nhiều mới có doanh thu quảng cáo), nhưng họ đầu tư ít hơn nhà mạng rất nhiều. Nhà mạng đầu tư hàng chục tỉ đồng cho mạng 3G chứ không phải vài tỉ như DN OTT nên rất khó có thể cho không,” lãnh đạo một nhà mạng di động nói. Vậy tại sao mô hình hợp tác giữa nhà mạng và DN OTT tại một số nước vẫn được triển khai? Lãnh đạo mạng di động trên cho hay, các quốc gia có thể triển khai hợp tác do họ đã có mạng 4G (công nghệ viễn thông thế hệ 4). Mà thông thường tại các quốc gia có sự hợp tác giữa nhà mạng và DN OTT (như Nhật, Hàn Quốc), khi có mạng 4G, họ chỉ thu phí dữ liệu mà không thu phí thoại và nhắn tin. Việt Nam chưa triển khai công nghệ 4G nên khó có thể có sự hợp tác này. Các chuyên gia cho rằng, do không tìm được tiếng nói chung, nên Viettel mới có ý định mua lại Kakao Talk hoặc Zalo thay phải tự đầu tư một ứng dụng OTT khác để cạnh tranh với các ứng dụng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo