Nhà nông xã ven Đà Lạt lao đao vì nguồn nước bị ô nhiễm
Ông Nguyễn Hữu Dương (thôn Phát Chi, xã Trạm Hành), chủ vườn hoa đồng tiền công nghệ cao, hơn 1.500m2 trồng trong nhà kính, thất vọng: “Vụ hoa này chắc không ra gì, hoa bị nấm lạ hàng loạt, mua thuốc về xịt mãi không hết. Chúng tôi đã hỏi cơ quan chức năng, nhưng họ chưa biết, chắc là do nguồn nước tưới”.
Cơn mưa bất chợt đổ xuống, khi chúng tôi đang ghi hình tại khu vực gần lòng hồ, mặt nước xanh rêu, đặc quánh bắt đầu chuyển động. Cạnh lòng hồ phía thượng lưu, ông Mã Đức Bổn (thôn Phát Chi) đang thu dọn đồ đạc tránh mưa. Ông nói: “Hơn bảy sào atisô này của nhà tôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lá úa vàng, khả năng do nguồn nước tưới lấy từ hồ Phát Chi”.
Trưởng thôn Phát Chi, ông Lê Huy Ban khẳng định: “Việc phản ánh của người dân là hoàn toàn đúng sự thật. Không những nguồn nước hồ ô nhiễm nghiêm trọng mà bốc mùi hôi thối. Đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết để nông dân có nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, bảo đảm sức khỏe cộng đồng dân cư gần khu vực nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng”.
Tại biên bản “ghi nhận thông tin liên quan đến việc hồ Phát Chi bị ô nhiễm nặng” ngày hôm qua (21-10), của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, nhiều hộ dân thôn Phát Chi, như ông Nguyễn Hữu Hưng, Trần Dũng, bà Nguyễn Thị Lý… đều có chung phản ánh, khi Công ty thực phẩm Lâm Đồng xả thải vào cống phía thượng lưu hồ Phát Chi, nước có mầu đen và mùi hôi nồng nặc, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu và sức khỏe người dân.
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa 8 vừa qua, cử tri xã Trạm Hành phản ánh, nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng thường xuyên xả nước thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí trong vùng, nhưng vẫn chưa khắc phục.
Liên quan đến sự việc, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Lâm Đồng cho rằng, hàng quý, Sở Tài nguyên và Môi trường đều lấy mẫu kiểm tra và khẳng định, nước thải tại nhà máy của công ty đạt chuẩn, sau khi đã qua xử lý. Công ty cũng được cấp lại giấy phép “xả nước thải vào nguồn nước” cách đây hai tuần.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, đơn vị chủ đầu tư công trình hồ thủy lợi Phát Chi, cho biết, mấy ngày này, đứng bên hồ đã nghe mùi tanh rồi. Còn sau này, đây là nguồn cấp nước sinh hoạt thì phải có giải pháp hữu hiệu. Trung tâm cũng đã báo cáo UBND TP Đà Lạt về thông tin ghi nhận tình trạng trên.
Mùi hôi từ cảm quan, hoa màu bị ảnh hưởng sau khi nguồn nước tưới “chuyển mầu”… mà người dân thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt phản ánh có được quan tâm giải quyết? Vẫn đang chờ hồi kết…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất