Nhà nước lại “ôm” doanh nghiệp
Mục tiêu tạo dựng khung khổ pháp lý để đảm bảo cho vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được phân bổ hiệu quả, hợp lý, tránh dàn trải, lãng phí của Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang bị lung lay bởi chính nội dung của Dự thảo Luật.
Trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự thảo Luật này, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm, phạm vi đầu tư vốn nhà nước được quy định quá rộng. Thậm chí, lo ngại về việc gia tăng số lượng doanh nghiệp nhà nước đã được cảnh báo.
Theo Dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến thẩm định, Nhà nước có thể đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp mới đối với dự án cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu cho xã hội; dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên; dự án ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; dự án thuộc ngành, lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
“Tôi không rõ thế nào là dự án thuộc ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên”, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn và cho rằng, với quy định này, các bộ, ngành, địa phương có thể thành lập hàng loạt doanh nghiệp nhà nước và tình trạng độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp khó có thể hạn chế được.
“Chúng ta đang cố gắng cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhằm giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước và thực hiện đúng nguyên tắc, Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà các khu vực kinh tế khác không tham gia. Nhưng với quy định này, Nhà nước có thể “ôm” hàng loạt lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm tốt hơn”, ông Minh lo ngại.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đặt câu hỏi có nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích hay không và tự trả lời ngay là không cần.
“Chúng ta đã chuyển khái niệm doanh nghiệp công ích thành dịch vụ công ích và thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích. Các thành phần kinh tế có thể tham gia đấu thầu và cung cấp dịch công ích thì không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích. Thực tế đã chứng minh khu vực kinh tế tư nhân làm tốt hơn so với nhà nước trong các dịch vụ này”, ông Kiên phát biểu.
Chia sẻ mối lo ngại về phạm vi thành lập doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vừa quá rộng, vừa không đầy đủ, bà Nguyễn Tuyết Dương (Ngân hàng Nhà nước) còn phân tích rằng, với quy định như trong Dự thảo, nhiều lĩnh vực vô cùng quan trọng khác lại không nhận được sự đầu tư của Nhà nước. “Đơn cử như để bảo đảm an toàn cho hệ thống thẻ thanh toán liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phải tham gia đầu tư vào Công ty Chuyển mạch quốc gia. Hay như để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã phải thành lập Công ty Quản lý tài sản tại các tổ chức tín dụng (VAMC). Nếu luật không quy định Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác tương tự thì khó có thể thực hiện được mục tiêu điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn”, bà Dương ví dụ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn thể hiện quan điểm, Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực kinh tế khác không làm (trừ an ninh, quốc phòng). “Trước khi ra quyết định đầu tư thành lập doanh nghiệp mới hoặc đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác, cơ quan ra quyết định đầu tư phải trả lời câu hỏi: lĩnh vực dự kiến đầu tư khu vực doanh nghiệp tư nhân có làm được không, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan tâm không. Nếu doanh nghiệp tư nhân làm được, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm thì dứt khoát không đầu tư”, ông Phúc đặt vấn đề.
Ngay cả với lĩnh vực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hiện đang đầu tư 70% vốn vào những lĩnh vực, ngành nghề mà thành phần kinh tế khác không đầu tư, 30% còn lại được đầu tư vào những lĩnh vực có lợi nhuận cao, ông Phúc cũng cho rằng, Nhà nước không nên đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực có lợi nhuận cao mà nên để cho khu vực kinh tế khác đầu tư toàn bộ.
“Câu chuyện này đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập qua việc đề nghị SCIC thoái vốn tại Vinamilk và các doanh nghiệp khác đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh rất tốt”, ông Phúc nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao