Tin tức - Sự kiện

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Cần xây dựng gia đình doanh nhân như một mô hình văn hóa"

"Chắc chắn việc nghiên cứu quá khứ (cái mà chúng ta không thể thay đổi) sẽ giúp ta thực hiện được những mục tiêu cho tương lai (cái mà chúng ta có thể tạo dựng) trong đó có việc xây dựng những gia đình doanh nhân như một mô hình văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp của chính doanh nhân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế".

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đưa ra tổng kết như vậy tại cuộc tọa đàm "Vai trò gia đình doanh nhân Việt Nam trong phát triển kinh tế và hội nhập" được tổ chức ngày 10/9.

Ông Quốc nhận định, cách đặt vấn đề của giới doanh nhân trong cuộc tọa đàm này gắn kết nhân tố “gia đình” như một nguồn lực truyền thống cho sự phát triển của bản thân doanh nhân nói riêng và sự phát triển xã hội nói chung.

Mô hình làng xã với đặc trưng khép kín, ưu tiên nền kinh tế tự cấp tự túc, lấy sản xuất nông nghiệp theo mô hình tiểu nông đã kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước, không phát triển được kinh tế hàng hoá, thúc đẩy thương nghiệp hình thành và phát triển....

Trong bối cảnh ấy, rất khó hình thành tầng lớp hữu sản có năng lực phát triển kinh tế hàng hoá, thúc đẩy thương nghiệp và tạo nên những thế lực kinh tế có sức sống trao truyền cho các thế hệ trong một gia tộc. Và thực tế khi nghiên cứu trong lịch sử nước ta thời trung thế kỷ, hầu như không thấy nói đến một gia đình nào có truyền thống lâu dài trên lĩnh vực kinh tế.

Qua thời cận đại, thực dân Pháp xâm lược, biến nước ta thành thuộc địa. Nhu cầu khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân buộc chúng phải đưa phương thức và tổ chức nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vào nước ta. Khách quan chủ nghĩa tư bản tác động làm thay đổi nền kinh tế và cơ cấu xã hội.

Một tầng lớp người Việt Nam bước chân vào thương trường cũng như những hoạt động kinh tế ở thuộc địa. Một tầng lớp công thương ra đời. Nhưng thời gian ngắn ngủi và bản chất của nền kinh tế thuộc địa và chính sách thực dân cũng không tạo nên một tầng lớp hữu sản và doanh nhân bền vững.

Khi đề cập đến tầng lớp doanh nhân đầu tiên này, chúng ta thường nhắc đến những tên tuổi tiêu biểu. Ví dụ, cụ Lương Văn Can - một sĩ phu tiến bộ của thế hệ Duy Tân ở đầu thế kỷ XX được coi là người khởi xướng và hô hào “đạo làm giàu” gắn với việc mở mang dân trí để chấn hưng dân khí từng nói đến sự ấu trĩ và non kém của tầng lớp doanh nhân mới manh nha hình thành ở nước ta.

Hay cụ Bạch Thái Bưởi là một tên tuổi luôn được hậu thế chúng ta đánh giá như một doanh nhân tiêu biểu thời cận đại với phẩm chất quyết liệt, ý chí phấn đấu trên doanh trường. Cho dù người đứng đầu “Bạch Thái Công ty” có lúc đã đạt tới đỉnh cao thành công, được coi là “vua” nhưng cuối cùng sự nghiệp cũng bị tiêu tan mà chưa kịp truyền cho con cháu...

Cách mạng tháng Tám 1945 đã xác lập một nền tảng chính trị của chế độ Dân chủ Cộng hoà giàu tiềm năng phát triển. Những thời gian ngắn ngủi xây dựng chế độ mới với những tư tưởng sớm đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến hội nhập với thế giới hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định danh và mở ra một môi trường, đường hướng phát triển đúng đắn cho tầng lớp doanh nhân: Các nhà công thương.

Nói về thế hệ này, ta hay nhắc đến tấm gương một gia đình doanh nhân tiêu biểu là ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Với truyền thống của một gia đình yêu nước, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cách mạng những thành quả có được trong kinh doanh dưới chế độ cũ, nhưng tiếc thay không thể tiếp tục “nối nghiệp” kinh doanh trong lòng chế độ mới mà họ đã hết lòng dốc sức ủng hộ. Họ chỉ có thể trở thành những nhân sĩ phục vụ cách mạng chứ con đường kinh doanh là chấm dứt.

Tấm gương tương tự là nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng - người đã thành đạt trên thương ttường với nhãn hiệu sơn “Reisstanco” nổi tiếng cạnh tranh với cả các thương hiệu chính quốc. Cụ đã hưởng ứng, ủng hộ cách mạng, hiến dâng không chỉ tài sản mà cả người con của mình (liệt sĩ trong những ngày đầu Hải Phòng kháng chiến), nỗ lực tham gia gây dựng nền kinh tế kháng chiến với những sản phẩm thiết thực phục vụ kháng chiến nhưng cuối cùng cũng không thể phát huy năng lực của mình trong hoạt động kinh tế...

Thực tiễn lịch sử như vậy làm sao tạo ra những gia đình truyền thống trong các hoạt động kinh doanh? Và nguyên lý “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" gần như là định mệnh buộc chúng ta phải nỗ lực vượt qua để thực sự gây dựng nền tảng bền vững và môi trường phát triển lâu dài cho lực lượng doanh nhân - nền tảng của nền kinh tế quốc dân, nền kinh tế dân tộc...

Do vậy, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vai trò của gia đình trong việc xây dựng đội ngũ và lực lượng của doanh nhân Việt Nam vẫn còn đang ở phía trước. Các thành tựu đạt được của công cuộc Đổi mới mới hình thành từ một phần tư thế kỷ mới đây đang là “cơ hội vàng” đầu tiên trong lịch sử đối với nền kinh tế dân tộc nói chung và đội ngũ doanh nhân nói riêng.

Một phần tư thế kỷ vừa qua cho thấy cả hai mặt của vấn đề: đó là cơ hội thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân hình thành và phát triển nhưng cũng là thách thức rất to lớn, nhất là vào những thời điểm đầy thử thách như hiện tại để thực sử thử lửa những phẩm chất của doanh nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, không thể không nói đến vai trò của nhà nước, nhân tố quyết định tạo dựng môi trường pháp lý và quản lý xã hội để tầng lớp doanh nhân phát triển và đóng góp.

Chắc chắn việc nghiên cứu quá khứ (cái mà chúng ta không thể thay đổi) sẽ giúp ta thực hiện được những mục tiêu cho tương lai (cái mà chúng ta có thể tạo dựng) trong đó có việc xây dựng những gia đình doanh nhân như một mô hình văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp của chính doanh nhân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo