Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi sẽ gửi thư xin lỗi ông Bùi Danh Liên
“Tôi không có ý nói xấu một cá nhân nào”
Sự việc xảy ra cách đây hai ngày, khi một tờ báo điện tử đăng câu “Đó là câu nói của người ngu”, được cho là ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc khi bình luận về chi tiết văn bản của Hiệp hội Vận tải Hà Nội có đoạn “Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.
Sau khi thông tin này phát đi, ông Bùi Danh Liên đã có phản ứng. Ông Liên cho rằng, nội dung đưa ra trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội xuất phát từ quan điểm của người làm công tác giao thông, có thể không am hiểu sâu về lịch sử nên quan điểm khác với các nhà nghiên cứu sử, nhưng quan điểm của mỗi người đều phải được nhìn nhận khách quan, công bằng.
“Trước hết, tôi rất trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, vì họ là những người nghiên cứu chuyên sâu thì có thể nắm được nhiều thông tin về khu vực Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói tôi ngu là hơi quá lời. Đó là văn hóa của người Á Đông. Theo tôi, văn hóa ứng xử phải tôn trọng lẫn nhau, nếu một ai đó có sai thì người khác có thể góp ý, nhưng không thể nói theo kiểu ở quán bia, quán rượu”, ông Liên phản ứng.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam tối 24/4, ông Dương Trung Quốc đang công tác tại TPHCM, chia sẻ: “Khi tôi đang tham dự một cuộc hội thảo thì có một bạn gọi cho tôi hỏi về những vấn đề liên quan tới Đàn Xã Tắc. Bạn này có đưa ra thông tin rằng, có người nói ‘xóa đi Đàn Xã Tắc là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân’ thì tôi có bảo ‘nói như vậy là ngu’.
Lúc bài đăng lên thì tôi thấy giật mình, vì đây chỉ là ngôn ngữ giao tiếp khi tôi nói với bạn đó, nhưng dẫu sao nó cũng không hay ho gì, và tôi cũng không hề có ý nói xấu một cá nhân nào. Sau đó, tôi có nói bạn phóng viên đó là bỏ chữ ngu ấy đi, nhưng họ trả lời là đã trót đăng rồi. Tôi cũng đang định gửi thư xin lỗi ông Liên khi trở về Hà Nội vì vấn đề từ ngữ gây ra hiểu nhầm, còn quan điểm của tôi đối với việc phải bảo tồn Đàn Xã Tắc là không thay đổi”.
Ông Dương Trung Quốc cũng nhắc lại câu chuyện phát hiện ra di tích Đàn Xã Tắc và cả thành phố, nhiều nhà khoa học lên tiếng đã thể hiện rất rõ là cần phải tìm được sự hài hòa giữa bảo tồn với phát triển.
“Đàn Xã Tắc là nơi thờ thần đất và thần lúa là hai nhân tố rất quan trọng đối với đời sống của cư dân nông nghiệp của tổ tiên chúng ta. Nó đã trở thành một lễ thức mang tính chất quốc gia, vì thế mà khi phát lộ di tích thì TP Hà Nội đã rất quan tâm, tổ chức những hội thảo khoa học về Đàn Xã Tắc với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học và quản lý. Khi đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã kết luận, thống nhất bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, xây đường tách ra hai bên di tích, trên đảo giao thông sẽ xây biểu trưng”, ông Quốc nói.
“Đừng để Hà Nội bị mắc hội chứng cầu vượt”
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho hay, ông vừa ký một văn bản của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác để đề nghị phải có một cuộc gặp của các cơ quan có liên quan, có sự tham dự đầy đủ của các nhà khoa học lịch sử, nhà khảo cổ học, để làm rõ các nội dung thông tin có liên quan tới dự án này.
“Lẽ ra thành phố Hà Nội phải chủ động đưa thông tin về dự án, trao đổi với các cơ quan có trách nhiệm để nhiều nhà khoa học vào cuộc, tìm sự đồng thuận. Anh em nghiên cứu sử học không cực đoan, không phải muốn bảo vệ di tích bằng mọi giá, mà cũng rất hiểu rằng bảo tồn phải hài hòa với phát triển.
Tuy nhiên, không thể nói như bên Hiệp hội Giao thông Vận tải Hà Nội được, khi cho rằng đó là phế tích của chế phong kiến cần xóa bỏ. Nói như vậy thì nghiên cứu, đánh giá về giá trị văn hóa – lịch sử của dân tộc thế nào đây? Người lớn còn nói như vậy thì sao trách được con trẻ không muốn học Sử”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.
Trước câu hỏi: Nếu Hà Nội không tìm được sự đồng thuận và một phương án hợp lý thì ông có đưa vấn đề này ra Quốc hội không? Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi chưa nghĩ tới vấn đề này, mọi chuyện phải tiến hành hết sức thận trọng.
Quan điểm của tôi là không có chuyện thắng thua ở đây, vì mọi ý kiến đóng góp cũng chỉ nhằm một mục tiêu là đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Ngay cả phương án hiện nay họ đưa ra thì rất có thể chính tôi cũng hoàn toàn ủng hộ, nếu như chúng tôi được biết chính xác thiết kế ấy như thế nào, và phải đặt ra vấn đề là khi thi công mà tiếp tục phát lộ các phần khác của di tích thì xử lý ra sao?
Tuy nhiên, thiết kế ấy chỉ có các cơ quan thuộc sự quản lý của thành phố cho ý kiến, nhưng như vậy là chưa đủ, vì cần phải minh bạch bản thiết kế cho cả các cá nhân và tổ chức muốn phản biện, làm như vậy thì mới hướng tới sự hài hòa được”.
Ngoài ra, Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng thêm một lần khẳng định, Đàn Xã Tắc là di tích rất quan trọng, những ai cổ súy cho chuyện phá di tích này không những vi phạm luật pháp mà còn xúc phạm cả người dân nữa. Trong Luật Di sản đã nói rất rõ, UBND các tỉnh phải xây dựng được quy hoạch khảo cổ học, cái gì tránh được thì tránh, nếu không tránh được thì phải tiến hành theo luật định.
“Đây là việc thành phố phải chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc hết sức cởi mở thì sẽ sớm có được kết quả hợp lý. Việc giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại khu vực này là cần thiết, nhưng cũng cần nhìn vấn đề toàn diện, nhất thiết phải tính đến sự xung đột giữa phát triển dự án mới với bảo tồn di tích. Chẳng lẽ cứ ùn tắc ở ngã tư là phải làm cầu vượt à? Theo tôi, giải quyết vấn đề giao thông là việc rất cần, nhưng cũng đừng để Hà Nội bị mắc hội chứng cầu vượt.
Lâu nay, thành phố không cho thấy rõ tầm nhìn quy hoạch, cho nên đường mở thì hẹp, nhà cửa cứ xây sát hai bên, thế là đến lúc tắc lại phải tìm cách khắc phục, rất vất vả. Ngay cả chuyện xây cầu vượt để giải quyết thực trạng hiện nay, nhưng thiết kế và xây dựng thế nào thì phải xem xét kỹ, tránh trở thành cái dễ cho người quản lý bây giờ và trở thành cái khó cho những thế hệ sau này”, ông Quốc nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025