Nhà thầu TQ dừng thi công: Không làm thì người khác làm!
Vụ nhà thầu Trung Quốc tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum đòi dừng thi công, chủ đầu tư cho rằng nếu nhà thầu không làm thì có người khác làm.
Ngày 22/7, truyền thông trong nước đưa tin, nhà thầu Trung Quốc là Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 đang thi công tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum) đã gửi thông báo dừng thi công một gói thầu tại đây.
Lý do nhà thầu Trung Quốc đưa ra với chủ đầu tư (Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh - PV) về việc dừng thi công là họ gặp một số vấn đề bất khả kháng như: lao động địa phương không đủ số lượng trên công trình; lao động người Trung Quốc không đảm bảo an toàn khi ra ngoài làm các thủ tục cần thiết; hầu hết công ty giao dịch của Trung Quốc tại Việt Nam buộc phải ngừng kinh doanh…
Ông Võ Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh kiêm Trưởng ban Quản lý dự án cho biết, nhà thầu Trung Quốc chưa dừng thi công gói thầu, trên công trường vẫn bình thường. Tuy nhiên, họ cho biết gặp một số vấn đề bất khả kháng (như đề cập ở trên - PV) do ảnh hưởng của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Họ mới đưa các vấn đề ra thế thôi, còn hội đồng đang xem xét để hai bên có thể thương thảo".
Bày tỏ quan điểm về việc nhà thầu Trung Quốc bất ngờ đòi dừng thi công, ông Võ Thành Trung cho biết: "Đây chỉ là một hạng mục nhỏ của dự án. Nếu nhà thầu Trung Quốc không làm thì người khác làm, quan trọng gì đâu?".
Trước đó, ngày 22/7, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh An, Phó Ban Quản lý dự án công trình thủy điện Thượng Kon Tum thông tin, đang tiến hành họp thương lượng chấm dứt hợp đồng với Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.
Tháng 10/2010, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đã ký hợp đồng Gói thầu (TKT-4.2.1) Thiết kế và xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum, với Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.
Theo hợp đồng, chủ đầu tư giao cho nhà thầu xây dựng tuyến năng lượng đoạn 2 gồm: thiết kế và xây dựng đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, hầm áp lực, hầm xả, kênh xả, nhà máy và trạm phân phối điện, với tổng giá trị xây lắp trên 1.614 tỉ đồng, thời gian thực hiện 42 tháng.
Trước đó, có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gói thầu nói trên. Ngoài Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 còn có Liên danh nhà thầu CMS, CAVICO Việt Nam và Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 3 (gọi tắt là Liên danh CMC-CAVICO và PECC3).
Tháng 6/2010, Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu TKT-4.2.1, tổ chuyên gia đấu thầu nhận xét: khi đưa ra phương án thiết kế, nhà thầu Trung Quốc đã có những giải giải pháp kỹ thuật hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng dự án, làm giảm chi phí đáng kể, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Về tiến độ thi công, nhà thầu đưa ra 42 tháng nhưng thời gian cung cấp, lắp đặt, thử nghiệm và đưa vào vận hành thiết bị đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine) là chưa hợp lý, mặt khác nhà thầu chưa tính thời gian tháo dỡ TBM và thời gian hoàn thiện hầm sau khi đào.
Đặc biệt, khi đưa ra giá dự thầu, Liên danh Viện Hoa Đông Tập đoàn thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 đưa ra giá thấp hơn một nửa so với Liên danh CMC-CAVICO và PECC3 (Liên danh CMC-CAVICO và PECC3 ra giá 3.614 tỉ đồng)
Trên cơ sở xem xét đánh giá 2 hồ sơ dự thầu này, tổ chuyên gia đấu thầu đã đề nghị nhà thầu trúng thầu là Liên danh Viện Hoa Đông và Công ty TNHH Cục đường sắt số 18 với hình thức hợp đồng trọn gói. Tổ chuyên gia đấu thầu cũng đề nghị thống nhất số lao động người nước ngoài tối đa 100 người và cam kết sử dụng nhà thầu phụ theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Ngày 23/7, báo Người lao động dẫn lời Tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, ông Võ Thành Trung nói rằng, chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà thầu, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu cố tình trì hoãn thi công để đòi tăng giá xây dựng.
Thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công xây dựng ngày 27/9/2009, trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum), với công suất 220 MW, điện lượng trung bình đạt 1,1 tỉ kWh/năm và tổng vốn đầu tư 5.744 tỉ đồng. Dự kiến, dự kiến tổ máy số 1 sẽ phát điện vào quý IV/2014. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (chủ đầu tư công trình), đến đầu tháng 6/2014 hầm dẫn nước đào bằng máy mới thi công được hơn 1,8km, bằng 14,7% khối lượng thiết kế. Bình quân mỗi tháng, đơn vị thi công chỉ đào được 91m/tháng, trong khi theo tiến độ dự thầu của tổ hợp nhà thầu, bình quân mỗi tháng đào 530m.
Ngoài ra, một số hạng mục khác cũng đang thi công chậm như Nhà máy tầng 1 mới đào đá được 67%, tầng 3 đào được 9% khối lượng thiết kế. Hầm giao thông, thời gian thi công 24 tháng bắt đầu từ đầu năm 2010 nhưng đến nay tổ hợp nhà thầu đã thi công phần đào đường hầm, phần gia cố mới đạt khoảng 50% khối lượng công việc….
Theo ông Đào Xuân Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, mỗi năm dự án chậm tiến độ, nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng. “Chắc chắn, đến năm 2015 nhà máy không thể đưa vào vận hành được,” ông Quý khẳng định.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết
Cột tin quảng cáo