Nhà thầu Trung Quốc đội vốn:Chủ đầu tư "giả vờ tham rẻ"?
Nếu, nhà thầu TQ thi công đúng theo giá thấp nhất khi trúng thầu chắc chắn nhà thầu TQ đã bị đánh bật ra ngay. Như vậy, rõ ràng ở đây có lỗi quản lý, chúng ta đã không chấp nhận, hoặc "giả vờ" không chấp nhận những nhà thầu khác mà "tham rẻ nhưng cuối cùng phải chấp nhận một cái giá đắt".
Liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị đội vốn gần 100%, bên cạnh đó Bộ GTVT đã điểm thẳng mặt những nhà thầu TQ không đủ năng lực vẫn đảm nhiệm những dự án trọng điểm.
Ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam đã có những phân tích qua vụ việc này.
Vì sao công trình đắt gấp 3 thế giới, TQ vẫn trúng thầu?
Vì sao nhà thầu TQ năng lực kém lại đảm nhận nhiều dự án xây dựng lớn tại VN, đây là câu hỏi không mới và đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cơ quan nhà nước, là cơ quan cấp Bộ (Bộ GTVT - PV) chính thức bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Đây là tiền lệ chưa từng xảy ra.
Không chỉ với các công trình xây dựng giao thông mà với các công trình điện, nhiệt điện họ cũng từng nói rất nhiều. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Đầu tiên có thể nói là lỗi do cơ chế, là lỗ hổng trong công tác thẩm định. Ở đây, không phải năng lực thẩm định có vấn đề mà chính cơ quan thẩm định đang có vấn đề.
Đứng trước một thực tế các nhà thầu TQ quá nhiều mánh khóe thì các chủ đầu tư VN lại chưa thể tìm ra được một hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn, loại bỏ bớt những nhà thầu TQ không đủ năng lực.
Quy định đấu thầu của VN đưa ra những tiêu chí kỹ thuật nhưng không quy định phải đưa xuất xứ hàng hóa đó. Như vậy, rõ ràng các nhà thầu Châu Âu khác không thể cạnh tranh nổi với nhà thầu TQ.
Nhưng chất lượng công trình là hoàn toàn khác nhau. Rất nhiều công trình tại VN đã phải trả giá vì nhà thầu TQ, điều này ai cũng thấy rồi.
Thứ hai, là bỏ thầu giá thấp nhất. Theo quy định của pháp luật, các nhà thầu khi đạt 70 điểm trở lên là đủ tiêu chuẩn xét thầu. Như vậy, rõ ràng những nhà thầu khác dù có chất lượng cao cũng không thể vượt qua TQ để trúng thầu vì giá thấp nhất.
Vậy, vì sao TQ thắng thầu giá thấp nhất nhưng công trình xây dựng VN vẫn đắt gấp 3 lần thế giới?
Việc này phải hiểu rõ, giá thấp nhất là giá lúc bỏ thầu, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá đấu thầu nhưng khi hoàn thiện công trình thì nó đắt gấp 3 lần thế giới.
Nếu, nhà thầu TQ thi công đúng theo giá thấp nhất khi trúng thầu chắc chắn nhà thầu TQ đã bị đánh bật ra ngay. Như vậy, rõ ràng ở đây có lỗi quản lý, chúng ta đã không chấp nhận, hoặc "giả vờ" không chấp nhận những nhà thầu khác mà "tham rẻ nhưng cuối cùng phải chấp nhận một cái giá đắt".
Thực tế, một nhà thầu khi yếu kém về năng lực bù lại họ rất mạnh tay chi tiền. TQ là nước gần VN nhất, họ rất am hiểu văn hóa VN đó chính là văn hóa phong bì và quan hệ. Điều này, nhà thầu TQ nhanh nhạy hơn các nhà thầu khác.
Chủ đầu tư đồng lõa đội vốn?
Vậy, trách nhiệm thế nào? Trước hết phải nhìn nhận, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Theo quy định của luật pháp VN, chủ đầu tư là đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện từ thiết kế, khảo sát cho tới khi hoàn thành dự án (chất lượng, tiến độ và hiệu quả).
Từ công trình này cho thấy cả 3 yêu cầu trên chủ đầu tư đều không đạt, thiết kế bị thay đổi, chí phí tăng lên, tiến độ bị kéo dài.
Tại sao lại để nhà thầu TQ thay đổi một khối lượng lớn như vậy? Tại sao điều chỉnh nhà ga từ 2 tầng giờ lại đổi thành 3 tầng? Hay việc đổ lỗi cho nền đất yếu, chứng tỏ chất lượng khảo sát là cực kỳ yếu kém.
Tiếp nữa là do người đi vay cụ thể là chủ đầu tư đã phải chịu một áp lực phải vay bằng được mà chấp nhận những thỏa thuận ngay cả khi biết rõ là sai?. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, vì đó không phải là vốn cho không mà là tiền đi vay và chúng ta vẫn phải trả tiền cho nhà thầu.
Nếu biết mà chấp nhận là biết sai mà cố làm sai. Không biết mà chấp nhận là vô trách nhiệm.
Như vậy, rõ ràng để TQ chỉ định nhà thầu không đủ năng lực thực hiện thi công là lỗi của người đi ký hợp đồng. Tại sao chúng ta mất tiền mà lại phải chấp nhận một công trình không đảm bảo chất lượng? Liệu có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chủ đầu tư - người đi vay với các nhà thầu hay không?
Không có một bằng chứng cụ thể chứng minh có chuyện đi đêm, nhưng rõ ràng, có chuyện chủ đầu tư đã đồng lõa với nhà thầu trong chuyện điều chỉnh giá. Bằng chứng là nhà thầu xin là tăng, tự ý điều chỉnh dự án... Bên cạnh đó hoặc là năng lực yếu kém hoặc chủ đầu tư cũng thích điều chỉnh mà cố tình tạo ra những kẽ hở pháp lý trong hợp đồng.
Rõ ràng chủ đầu tư ở đây đã thể hiện năng lực yếu kém, không đảm nhận được vai trò quản lý.
Ở đây cũng phải nói tới trách nhiệm liên đới, trách nhiệm quản lý là Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ KHĐT với vai trò quyết định đầu tư, giám sát công trình không hoàn thành.
Thay chủ đầu tư
Vậy, chúng ta phải xử lý thế nào? Theo cơ chế quản lý hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa có các tổ chức xã hội tham gia kiểm soát.
Cùng một cơ quan nhà nước đưa ra đấu thầu, tự phê duyệt, tự thẩm định, tự điều chỉnh thì không thể nói là phát hiện được sai phạm, mà kể cả khi có phát hiện cũng sẽ được tìm cách hợp thức hóa.
Do đó, cần phải có tổ chức xã hội độc lập cùng giám sát.
Thực tế, rất nhiều các dự án khi bị điều chỉnh vốn chúng ta đã không thể thẩm định được. Một bằng chứng cụ thể là thủy điện Sông Tranh, chỉ khi có các đơn vị, tổ chức xã hội vào cuộc mới nói được những nguyên nhân, lý do mà cơ quan nhà nước không thể nói được.
Quay lại đường sắt Cát Linh - Hà Đông, phải xử lý nhà thầu TQ không đủ năng lực mà vẫn tham gia dự án như thế nào?.
Đầu tiên, không thể dễ dàng chấp nhận yêu cầu vô lý của nhà thầu TQ. Không vội vàng đồng ý cho tăng 339 triệu USD đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Thứ hai, phải thẩm định lại toàn bộ dự án, thẩm định lại quá trình điều chỉnh dự án, và thẩm định lại ngay chính năng lực của đơn vị thẩm định thông qua Hội đồgg thẩm định độc lập.
Thứ ba, người quyết định đầu tư phải thẳng tay loại bỏ ngay nhà thầu không đủ năng lực dựa trên kiến nghị của chủ đầu tư. Không thể để một dự án cả ngàn tỉ cho một đơn vị thi công không đủ năng lực.
Thứ tư, thay chủ đầu tư, tìm ngay những người đủ năng lực đảm nhiệm công việc này. Không thể dễ dàng chấp nhận, xin là cho.
Phải có chế tài nghiêm khắc, không để tình trạng sai không ai chịu trách nhiệm, sai lại điều chuyển việc khác, thậm chí chức vụ còn cao hơn.
Khi hiệu quả chưa gắn với trách nhiệm chắc chắn còn tình trạng dự án bị điều chỉnh vô tội vạ, ngân sách nhà nước thâm hụt, dân bị móc túi nhưng không thấy ai bị làm sao.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo