Nhà thầu Trung Quốc thắng vì công nghệ... kém!?
Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm khác Bộ Xây dựng về chất lượng nhà thầu Trung Quốc.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã chỉ thẳng, các doanh nghiệp Trung Quốc thi công hiệu quả không cao, thiết bị, công nghệ kém... nhưng theo ông Trường, "họ có lợi thế về công nghệ thiết bị nên có chi phí giá thầu thấp hơn. Các nhà thầu khác có công nghệ hiện đại nhưng việc ứng dụng ra thị trường thì chi phí rất cao...".
Hãy nhìn nhận ở góc độ bình đẳng
PV: - Vừa qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tổng kết, đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn nhà nước có gói thầu giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện, qua đó rút ra khẳng định việc các DN Trung Quốc không tham gia đấu thầu tại VN là điều mừng chứ không phải điều lo vì thi công hiệu quả không cao, tiến độ không nhanh, thiết bị, công nghệ kém…
Là cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp các nhà thầu TQ, ông có thể cho biết thực tế hiện nay như thế nào? Ông có đồng tình với những nhận xét nói trên của Bộ Xây dựng hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Hiện nay, tôi thấy nhà thầu TQ cũng là một nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu các dự án ở VN, một cách bình đẳng như các nhà thầu khác chứ không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Còn về chất lượng, tiến độ các dự án thì trước hết phải xem xét trách nhiệm của đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát. Cụ thể: trách nhiệm của nhà thầu, trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Tất cả phối hợp với nhau, làm sao đảm bảo chất lượng thì mới được làm.
Nếu việc đó làm tốt thì làm gì có chuyện nhà thầu chất lượng kém mà cho đảm nhận các công trình, lại còn là các công trình trọng điểm.
Còn chuyện các nhà thầu TQ không tham gia đấu thầu các công trình tại VN, theo tôi âu cũng là chuyện thường tình. Bởi vì, mỗi DN khi đấu thầu họ đều tính toán, xem họ được gì và phải làm gì.
Hơn nữa, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề dưới góc độ bình đẳng, vì nhà thầu của bất kì nước nào cũng sẽ có nhà thầu tốt và không tốt. Quan trọng là thái độ xử lý nhà thầu không tốt đó như thế nào, còn nhà thầu tốt thì phải có đánh giá khách quan để họ tham gia vào các công trình tiếp theo ra sao.
Chính vì vậy, không nên phân biệt giữa các nhà thầu nước ngoài với nhau, tôi nghĩ nó có những cái chưa đúng, thì phải đánh giá khách quan chứ không được đánh giá chung chung như vậy.
PV:- Trước chất lượng nhà thầu Trung Quốc như vậy, vì sao Trung Quốc vẫn thắng thầu nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Tôi khẳng định, bên giao thông không có chuyện nhà thầu năng lực kém mà lại trúng thầu. Nhìn lại tổng thể các dự án giao thông hiện nay toàn các nhà thầu có năng lực đảm bảo được chất lượng, tiến độ công trình.
Đồng thời, Bộ cũng đối xử với các nhà thầu TQ như các nhà thầu khác, còn tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm giám sát. Thực tế, trong quá trình theo dõi các công trình giao thông do các nhà thầu TQ đảm nhận, chúng tôi kết luận là họ làm tốt chứ không phải kém.
Còn việc tại sao các nhà thầu TQ hay thắng thầu? Dễ hiểu bởi vì họ có lợi thế về công nghệ thiết bị nên có chi phí giá thầu thấp hơn. Các nhà thầu khác có công nghệ hiện đại nhưng việc ứng dụng ra thị trường thì chi phí rất cao, trong khi chi phí nhà thầu TQ nó thấp hơn. Đó là lý do họ hay trúng thầu.
Hơn nữa, cũng nên nhìn nhận tại sao nhà thầu trong nước chưa đảm nhận được, bởi vì giá thành nhà thầu trong nước chưa có sự hấp dẫn về giá so với nhà thầu nước ngoài. Mặc dù, dự án nào mà nhà thầu TQ và quốc tế cùng tham gia thì thường là nhà thầu trong nước có lợi thế hơn.
Cho nên, phương án hiện nay thường được sử dụng là nhà thầu VN phối hợp nhà thầu nước ngoài cùng đấu thầu 1 gói thầu để có lợi thế hơn, rồi tìm cách đáp ứng yêu cầu các yêu cầu của dự án đấu thầu.
Bộ GTVT và Bộ xây dựng luôn liên kết với nhau
PV: -Ngành giao thông khẳng định trong quá trình rà soát các dự án trọng điểm, kết quả kiểm tra cơ bản cho thấy việc đấu thầu các dự án là tương đối minh bạch, điều này có đồng nghĩa, ngành giao thông chọn nhà thầu năng lực kém một cách minh bạch hay không, thưa ông? Hay điều này phải được hiểu như thế nào khác?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Việc rà soát các dự án trọng điểm, kết quả kiểm tra cơ bản cho thấy việc đấu thầu các dự án là tương đối minh bạch, đã làm minh bạch thì cái gì cũng phải rõ ràng, đánh giá đúng.
Dĩ nhiên, nhà thầu xứng đáng thì mới trúng làm sao lại nói là nhà thầu kém mà trúng thầu được. Còn như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hiện nay chúng tôi đánh giá là dự án có phát triển tốt nhưng có chút vướng mắc về GPMB, nên mới chậm lại, hiện nay Bộ yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ, như vậy sao có thể nói là kém.
Cho nên, việc quan trọng hơn hết là khi có sự cố xảy ra, chúng ta xử lý hậu quả ra sao mới là quan trọng.
PV: - Bộ GTVT, cụ thể là Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã có các phương án thay thế, dự trù trước việc các nhà thầu TQ không tham gia đấu thầu nữa hay chưa? Cụ thể ra sao ạ?
Thời gian tới Bộ GTVT với Bộ xây dựng có liên kết với nhau để giám sát và nghiêm khắc hơn đối với nhà thầu TQ khi đầu tư vào các công trình tại VN?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: - Bộ không có phương án gì để tìm nhà thầu thay thế, bởi vì hiện nay tất cả các nhà thầu kể các nhà thầu khác không riêng gì nhà thầu TQ, nếu không trúng thì phải chấp nhận.
Còn các nước khác không trúng bởi vì đơn giản là họ không đủ năng lực để đấu thầu. Nói như vậy để thấy được rằng chuyện đấu thầu không phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài. Nhà thầu nào đủ năng lực thì sẽ trúng để làm chứ không phải phụ thuộc vào bất cứ nhà thầu nước nào.
Tuy nhiên trong quá trình làm mình cũng yêu cầu đáp ứng hồ sơ mời thầu, kiểm soát chất lượng các dự án, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Việc liên kết với Bộ xây dựng, thì tôi khẳng định không phải là bây giờ mới liên kết mà luôn luôn liên kết với nhau, vì thường các dự án lớn, Bộ xây dựng sẽ là cơ quan chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước cho nên Bộ GTVT và Bộ xây dựng luôn phối kết hợp để đánh giá chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo