Nhà thiết kế nổi tiếng Iran kể chuyện bị phạt 40 roi khi 16 tuổi
Tala Raassi
Lần đó, Tala được mời tới dự một bữa tiệc mừng sinh nhật tuổi 16 của một người bạn. Nhóm bạn đã ngầm quy ước với nhau họ sẽ mặc những bộ đồ mình thích khi tới tham dự cuộc vui này.
Tala táo bạo chọn cho mình một chiếc váy ngắn. Sự việc này đã dẫn tới một ký ức không thể nào quên, góp phần định hình cuộc sống của Tala về sau. Không biết bằng cách nào, họ bị cảnh sát tôn giáo ở Iran phát hiện. Tất cả những bạn bè đến dự tiệc đều bị bắt giữ và phải chịu hình phạt.
Những ký ức về hình phạt đó vẫn còn hiện rõ như mới hôm qua. Tala đứng xếp hàng trong một hành lang dài và tối, tay bị khóa lại. Tất cả nhóm bạn run lẩy bẩy khi họ đứng đó và nghe tiếng kêu thét thất thanh kinh hoàng của hai người bạn khác đang phải chịu hình phạt bằng roi da. Họ đứng đó và chờ đợi tới lượt mình vào nhận hình phạt.
Hai người bạn vừa chịu hình phạt bước ra, Tala nhìn thấy họ nước mắt đầm đìa, trang phục thấm đầy máu. Cô cảm thấy nghẹt thở khi nghe người ta gọi đến tên mình.
Trong phòng phạt roi là hai người phụ nữ trung tuổi, mặt lạnh tanh, mặc váy dài màu đen truyền thống, họ tháo còng tay và để cô gái nằm úp mặt xuống giường.
Họ dùng chiếc roi da dài, nhúng vào nước cho mềm để những cái vụt thêm đau. Tala quay lại và thấy người phụ nữ vung roi lên thật cao rồi quất vào người cô. Tala nhắm nghiền mắt lại vì kinh hãi. 40 roi khiến cô vừa đau vừa sốc.
Khi đó, cô đang mặc một chiếc áo phông. Tala nói rằng nếu phải nhận hình phạt đó, bạn sẽ ước gì mình đang không mặc áo bởi vết thương ứa máu sẽ càng đau hơn khi vải áo dính máu dán chặt vào da thịt.
Điều khủng khiếp nhất là cha mẹ Tala khi đó đang ngồi ở phòng bên cạnh, buộc phải ngồi im nghe tiếng roi da vụt con mình. Sau khi nhận đủ 40 roi, cô được trả về cho gia đình.
Tư tưởng của người trẻ ở Iran tương đối cởi mở, từ cách đây nhiều thập kỷ, họ đã bị ảnh hưởng bởi lối sống phương Tây và rất hứng thú với những bữa tiệc kín đáo, tại đây, họ sẽ mặc những trang phục mình thích, rời xa chiếc khăn chùm đầu hijab, cùng nhau ca hát, nhảy múa.
Tại bữa tiệc mà Tala đến dự có khoảng 30 người, bao gồm cả nam và nữ, họ nghe nhạc, nói chuyện, hoàn toàn không hề uống rượu, hút chích hay có những hành động thân mật giữa hai giới.
Tuy vậy, nam nữ không phải người thân mà ở cùng một phòng bị cho là phạm luật tại Iran. Bất ngờ cảnh sát tôn giáo ập vào, họ la hét, quát tháo như thể đang trấn áp một nhóm tội phạm.
Cảnh sát đưa họ tới một nhà tù địa phương, tách nam và nữ ra thành 2 nhóm. Họ bị giam 5 ngày. Đến chiều ngày thứ 5 thì được đưa tới tòa án. Tại đây, người ta tuyên mức hình phạt: nam 50 roi, nữ 40 roi vì đã vi phạm luật Hồi giáo: ăn vận không phù hợp, tiệc tùng với người khác giới, nghe nhạc phương Tây. Sau đó, nhóm thanh niên liền bị đưa tới phòng lãnh hình phạt.
Tala nhận 40 roi trong khoảng 10 phút, 10 phút đó đã thay đổi đời cô. Đường trở về nhà như dài vô tận. Người nhà đến đón cô chỉ im lặng, không ai nói gì với nhau. Về tới nhà, Tala vào phòng tắm và ở trong đó 6-7 tiếng, chỉ để nước ấm xối lên những vết thương.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cha mẹ quyết định tốt nhất nên để Tala rời Iran vì sau sự việc đáng tiếc, cô trở nên khép mình, không giao lưu với bên ngoài và chỉ còn biết đến trường rồi về nhà.
Tala liền sang Mỹ sống với họ hàng. Tại đây, cô được thấy những phụ nữ hoàn toàn tự do, họ mặc thứ gì mình thích và làm những gì họ muốn. Ngay lập tức, Tala biết rằng mình muốn trở thành nhà thiết kế tới trang bởi đối với cô - một cô gái Iran - thời trang còn là sự tự do giải phóng bản thân.
Khi tới Mỹ, Tala mới hiểu rằng phụ nữ được quyền tự hào về vẻ đẹp của họ chứ không phải cố gắng che giấu nó đi. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt đầu tiên như xin vào làm việc tại một cửa hiệu thời trang, Tala đã dần bước gần hơn tới ước mơ của mình.
Cuối cùng, cô cũng có được một cửa hàng của riêng mình, bày bán những mẫu thời trang do chính cô thiết kế. Tala đặt tên cho dòng thời trang của mình là “Dar Be Dar” nghĩa là “Cánh cửa mở ra cánh cửa” trong tiếng Ba-tư.
Từ một cửa hàng kinh doanh thành công, Tala mở rộng hệ thống cửa hàng ra nhiều thành phố lớn khác của Mỹ.
Nhớ lại hình phạt năm xưa, Tala cho rằng chính trải nghiệm đó đã tạo nên cô của ngày hôm nay. Cô biết trân trọng sự tự do mà mình đang được hưởng. Dù rời xa Iran để thực hiện mơ ước nhưng Tala không mất đi đức tin của mình. Cô vẫn theo đạo Hồi và vẫn mang cuốn kinh Koran trong túi xách.
Tala hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm ứng và sức mạnh cho những phụ nữ đạo Hồi khác. Năm 2012, Tala Raassi được vinh danh là “một trong những phụ nữ dũng cảm nhất thế giới” bởi tạp chí Newsweek của Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất