Nhảm nhí chuyện “thánh mẫu” hiển linh bắt cả làng quỳ rạp nghe lời huấn thị giữa Hà thành
Cứ 4 năm lễ hội truyền thống làng Hoàn Trung, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội lại được tổ chức một lần thu hút hàng vạn khách thập phương và những người con xa quê hương về tham dự. Năm nay lễ hội được tổ chức từ ngày 13-16.4.2014. Vào ngày lễ hội cuối cùng bỗng xảy ra một sự việc hy hữu, bất ngờ. Một người phụ nữ tự nhận mình là thánh mẫu trèo lên rồi ngồi vắt vẻo trên kiệu đưa ra những lời phán truyền làm cả làng thất kinh quỳ rạp sợ hãi.
Thực hư “thánh mẫu” hiển linh?
Khi chúng tôi hỏi đường vào khu đền miếu Hoàng Trung, một cụ già ân cần chỉ dẫn nhưng không quên lời dặn dò cẩn thận: “Các chú vào đấy không được nói điều gì bậy bạ đâu nhé, thánh mẫu thiêng lắm đấy!”. Trong khu đền miếu Hoàng Trung không khí lễ hội vẫn còn, cờ xúy rợp đường. Dù lễ hội đã xong nhưng người dân nơi đây vẫn còn hoang mang về việc thánh mẫu hiển linh nhập vào một người phụ nữ rồi phán truyền bắt cả dân làng phải quỳ rạp: “Trên sai dưới phải chịu, một người làm sai, cả làng phải chịu…”.
Những người dân trong làng Hoàng Trung cho biết, chưa khi nào trong lễ hội lại diễn ra một sự việc lạ lùng như vậy. Bình thường chẳng ai dám có lời mạo phạm đến thánh mẫu mà đột nhiên có người “dám” trèo lên kiệu rồi ngồi vắt vẻo bắt giai kiệu khiêng đi khắp làng. Ban đầu mọi người đều nghĩ người này bị tâm thần nhưng càng lúc càng thấy những lời thánh mẫu nói có lý nên người dân tham dự lễ hội từ nghi ngờ đến thất kinh sợ hãi”, một người dân cho biết.
Sau khi mọi người “quỳ rạp” xin thánh mẫu cho biết những gì cón thiếu sót để làng sửa lễ thực hiện. Lúc này thánh mẫu đã nói rõ với dân làng những điều mà mọi người đã không thực hiện như việc không làm lễ sang chùa. Hôm rước thánh mẫu thì uy nghi, hoành tráng lúc xong việc thì làm quấy quá cho xong. Thánh mẫu còn phán: “Nếu không muốn thờ thì mẫu sẽ làm cho miếu tự bốc cháy và làng phải chịu hậu quả”.
Không chỉ bằng lời nói mà nhiều người còn lưu giữ những clip tự quay về việc “thánh mẫu hiển linh” đưa cho chúng tôi xem với quả quyết sự việc trên là có thật: “Nếu các anh muốn có đầy đủ hình ảnh thì đến gặp ông Nhiệm chủ cửa hàng ảnh viện áo cưới ở đầu làng ông ấy đã quay lại từ đầu đến cuối và chắc vài hôm nữa thì có đĩa”. Không dừng lại ở đó, thánh mẫu còn yêu cầu các cán bộ địa phương phải có mặt để nghe lời huấn thị của “người”.
Qua tìm hiểu nhanh từ người dân, người phụ nữ tự nhận mình là thánh mẫu có tên là H. người xóm Đồng Rồng (xã Hồng Dương), là người nơi khác lấy chồng về đây. Theo lời kể của mọi người thì người phụ nữ này đi chăm bố đẻ bị bệnh hiểm nghèo trở về ra tham dự lễ hội thì bị thánh mẫu nhập. Và sự việc chỉ diễn ra từ sáng cho đến chiều 16.4 thì hết. Người phụ nữ này hiện đã về quê chăm người cha bị ốm nên chúng tôi không gặp được.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với ông Đỗ Trung Bỉnh - Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi của làng và cũng là thành viên trong Ban tổ chức lễ hội truyền thống làng Hoàng Trung, ông cho biết: “Lễ hội truyền thống của làng thường diễn ra từ ngày 12 – 19.3 âm lịch hàng năm. Đền thờ hai vị thành hoàng làng có công khai đất, lập làng và giúp cho dân làng tránh dịch bệnh, tai ương. Để tưởng nhớ công ơn hai vị dân làng đã lập đền thờ thành hoàng làng đời đời hương khói. Miếu thánh mẫu bên cạnh chính là vợ của thành hoàng làng bên Tây. Đền miếu được xây dựng từ thời Lý qua thời gian và chiến tranh tàn phá dân làng Hoàng Trung đã nhiều lần phải trùng tu tôn tạo lại. Trong ngày diễn ra lễ hội làng thường tổ chức 6 kiệu rước. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian, văn nghệ thu hút hàng vạn lượt người tham dự”.
Ông Đỗ Lê Hùng - trưởng thôn Hoàng Phương cũng cho biết: “Do việc tổ chức lễ hội tốn kém, chính quyền địa phương làng Hoàng Trung đã tổ chức hội chính 4 năm 1 lần và cũng chỉ rút gọn lại trong 3 ngày (từ ngày 12-15). Công tác tổ chức lễ hội năm nay sẽ thành công tốt đẹp nếu như không có sự việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 16 (sự việc tự xưng thánh mẫu hiển linh – PV). Sau lễ hội chúng tôi đã thẳng thắn rút kinh nghiệm và giải quyết nội bộ vụ việc”.
Còn ông Nguyễn Duy Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Dương cho biết: “Sau sự việc, chúng tôi đã báo cáo lên huyện và phối hợp với Ban công an xã để làm rõ. Đoàn công tác đã gọi đối tượng lên giáo dục, viết bản tường trình không tái phạm và sự việc cũng chỉ diễn ra trong một ngày và không tái diễn nên chúng tôi chỉ cảnh cáo rồi cho về và tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Đồng thời cũng làm rõ người phụ nữ này có hành động như vậy nhằm mục đích gì? Cũng chỉ mong người dân không nên vì điều này mà có những lời đồn thổi gây dư luận không tốt ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương và tránh những đối tượng lợi dụng “tự do tín ngưỡng” để hoạt động mê tín dị đoan”.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo