Tin tức - Sự kiện

Nhân dân nhất trí cao với nội dung dự thảo Hiến pháp

Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp đều đánh dấu sự chuyển mình của dân tộc đang bước sang một thời kỳ mới

(VOV) Sau 3 tháng triển khai việc lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp 1992, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia một cách tích cực. Với nhiều góc độ khác nhau và có nhiều ý kiến đa chiều, nhưng tựu chung hầu hết ý kiến góp ý đều thể hiện sự nhất trí cao đối với nội dung cơ bản của Dự thảo Hiến pháp đã được công bố.


3 tháng qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai một cách bài bản việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đến việc tổ chức lấy ý kiến trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường đều được các cấp ủy đảng, chính quyền tiến hành chu đáo.

Ông Nguyễn Hữu Thảo - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho biết: Đến nay, tỉnh đã tổ chức được gần 340 hội nghị, hội thảo ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, phường với hơn 17.000 lượt ý kiến tham gia. Tất cả các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được tập hợp một cách đầy đủ, khách quan và thận trọng: Các ý kiến đóng góp của người dân tập trung vào toàn bộ dự thảo, tuy nhiên, mức độ tham gia đóng góp vào các chương khác nhau. Với trách nhiệm tổng hợp, chúng tôi phải tập hợp đầy đủ và tôn trọng ý kiến phát biểu kể cả các ý kiến khác nhau. Trong quá trình tập hợp, chúng tôi sẽ báo cáo lên cơ quan cấp trên về đề xuất kiến nghị chung căn cứ vào các ý kiến đóng góp, trên cơ sở quan điểm chung là dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, cho biết: Mặc dù thời điểm bắt đầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân trùng dịp Tết Nguyên đán, các Bộ, ngành, địa phương cũng đang tập trung triển khai công tác năm 2013, khối lượng công việc phải thực hiện lớn, đối tượng lấy ý kiến rộng. Nhưng về cơ bản, việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, thực sự tạo ra đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tính đến ngày 29/3, Bộ Tư pháp đã nhận được 30 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, 63 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các địa phương.

Kết quả tổng hợp cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức gần 30 nghìn hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Đây là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng. Các địa phương cũng có phương thức tuyên truyền rất tích cực để cho nhân dân nắm được nội dung sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, kết quả bước đầu rất khả quan. Chúng tôi nhận được ý kiến góp ý cho lời nói đầu và 11 chương của Hiến pháp. Chương nhiều nhất là chương về quyền con người nhận hơn 5 triệu lượt phát biểu ý kiến, tiếp đó là chương về chế độ kinh tế, Quốc hội và chế độ chính trị.

Gần 3 tháng góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 7 hội nghị lớn. Trong đó, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… đã được bày tỏ ý kiến của mình đối với đạo luật gốc của đất nước một cách dân chủ và trách nhiệm. Những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm đó đã khẳng định và làm sâu sắc thêm vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như những quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về Chế độ kinh tế, xã hội….

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hùynh Đảm cho rằng điều này thể hiện sự thống nhất cao trong toàn dân về tư tưởng sửa đổi Hiến pháp 1992:  “Qua kênh MTTQ Việt Nam có hơn 8 triệu ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Có thể nói, từ khi thống nhất nước nhà và trải qua 3 lần sửa đổi Hiến pháp chưa lần nào các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, góp ý kiến cho dự thảo nhiều như lần này. Các ý kiến từ nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trong các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài và cả chức sắc tôn giáo cũng rất tâm huyết góp ý nhiều ý kiến trách nhiệm, trí tuệ để bổ sung sửa đổi Hiến pháp. Qua đây thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp”.

Tại hội nghị lấy ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng được tổ chức tại Hà Nội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định: Mục tiêu lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp là nhằm lắng nghe nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân. Vì vậy, việc tập hợp chính xác, trung thực các ý kiến của nhân dân là hết sức quan trọng.  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Chúng tôi vẫn sẽ tiếp thu, đưa ra thảo luận ở Quốc hội, Trung ương, Bộ Chính trị mà trước hết là thảo luận trong Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong Thường vụ Quốc hội, sau đó thảo luận ở Quốc hội và công khai trong toàn dân. Không loại trừ một ý kiến nào. Điều quan trọng là chúng ta tập hợp được ý chí của đại đa số nhân dân” .

Việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp, giờ đây, không chỉ dừng lại ở thẩm quyền lập Hiến của Quốc hội, mà là một sự kiện trọng đại, mang tính lịch sử của cả dân tộc. Đây chính là sự thể hiện tính dân chủ trong sinh hoạt chính trị của Nhà nước ta và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp đều đánh dấu sự chuyển mình của dân tộc đang bước sang một thời kỳ mới, một giai đoạn mới, tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho bản hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân./.
 
 
 
Hồng Lĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo