Thị trường

Nhận diện bất ổn trên thị trường ôtô

Các chính sách thay đổi trên thị trường ôtô thời gian vừa qua không chỉ khiến giấc mơ ôtô giá rẻ trở nên xa vời hơn với người tiêu dùng Việt, mà còn tiếp tục đe doạ tới ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước. Đó là những diễn biến thực tế ghi nhận trên thị trường cũng như qua phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Xe giá rẻ vẫn là giấc mơ

Mặc dù người tiêu dùng kỳ vọng sẽ mua được ôtô giá rẻ vào năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ thị trường ASEAN giảm xuống 0%, song đến nay, giấc mơ đó vẫn khá xa vời, thậm chí có nhiều mẫu xe còn tăng so với năm 2017.

Đơn cử như mẫu xe nhập khẩu từ Indonesia được nhiều người quan tâm và chờ đợi là Toyota Fortuner 2018 đã chính thức công bố giá bán với mức tăng tới khoảng 50 triệu đồng cho từng phiên bản. Một số mẫu xe nhập khẩu khác từ Thái Lan của Toyota là Hilux cũng có mức tăng nhẹ so với năm 2017, từ 18-22 triệu đồng cho từng phiên bản; Honda CR-V “cập bến” Việt Nam từ đầu năm 2018 theo diện hưởng thuế 0% cũng có mức giá tăng 10 triệu đồng cho tất cả các phiên bản.

Cần đảm bảo sự cân bằng hợp lý của cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc .

Đó chính là lý do mặc dù thuế nhập khẩu giảm, song nhập khẩu ôtô vẫn rất yếu ớt. Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tính từ đầu năm cho đến tháng 6/2018, tổng lượng ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu trên địa bàn cả nước giảm mạnh 75,7% về lượng và giảm mạnh 68,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lý giải của các nhà phân phối, do vướng phải những quy định mới về kinh doanh xe nhập khẩu nên nhiều hãng không thể đều đặn nhập xe về. Sự khan hiếm xe nhập khẩu cũng tác động ngược trở lại tới thị trường xe lắp ráp trong nước. Từ đầu năm 2018, thay vì đưa ra những mức giảm giá hấp dẫn hay ưu đãi “khủng” thì nhiều mẫu xe lại quay đầu tăng giá.

Một thay đổi đáng chú ý khác trên thị trường ôtô là xe nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, chiếm tới 87% tổng lượng xe nhập khẩu 6 tháng đầu năm.

Một chuyên gia của Tổng cục Thống kê đánh giá, xe hơi nguyên chiếc của Thái Lan, Indonesia; linh phụ kiện ôtô của Malaysia nhập khẩu về Việt Nam với số lượng lớn đã góp phần khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với các nước này ngày càng nặng nề.

Liên tục trong 2 năm 2016-2017 vừa qua, thâm hụt thương mại đã nghiêng về phía Việt Nam ở mức 6,5-6,7 tỷ USD, bằng tới 30,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN. “Chúng ta kỳ vọng ký kết được các FTA sẽ giúp Việt Nam tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường, song thực tế lại cho thấy các nước này đã tận dụng cơ hội tốt hơn Việt Nam”, chuyên gia của Tổng cục Thống kê lo ngại.

 

Cần kiên trì với ngành công nghiệp ôtô

Không chỉ người tiêu dùng chịu ảnh hưởng, các nhà sản xuất ôtô nước ngoài tại Việt Nam vừa qua đã đồng loạt lên tiếng về việc chính sách đang gây ra nhiều bất ổn. Trong đó đặc biệt là Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô; Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; và Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ.

Ông Toru Kinoshita - Trưởng Nhóm công tác Công nghiệp ôtô và xe máy, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu của các nước phát triển (Nhật Bản, châu Âu…) trong 6 tháng vừa qua. Riêng với xe nhập khẩu có nguồn gốc châu Âu, thống kê của nhóm này cho thấy không có xe nào được nhập về Việt Nam từ tháng 1 - 4/2018. Tính chung lại, hiệu quả kinh doanh của các DN nhập khẩu, lắp ráp ôtô ở Việt Nam giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực.

Từ diễn biến thực tế trên thị trường, các NĐT nước ngoài cho rằng, cần đảm bảo sự cân bằng hợp lý của cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó, xe lắp ráp trong nước phải phục vụ phần lớn thị trường.

Các NĐT nước ngoài cũng lưu ý, sự đổ bộ ồ ạt của xe có nguồn gốc từ ASEAN cũng tiếp tục cho thấy thành công của ngành công nghiệp ôtô tại các quốc gia này cũng như việc tận dụng được thời cơ từ hội nhập.

 

Ông Shinjiro Kajikawa - Phó Giám đốc khối hoạch định chiến lược của Công ty Toyota Việt Nam chỉ ra thực tế, trước khi dỡ bỏ thuế nhập khẩu, Thái Lan đã ban hành chính sách bảo hộ nền sản xuất nội địa, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực nhà cung ứng và giá thành có tính cạnh tranh đủ mạnh. Thậm chí sau khi dỡ bỏ thuế nhập khẩu ôtô, họ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp và tăng sản lượng.

Vị này cũng dẫn ra thực tế là 4 trong số 5 quốc gia ASEAN có ngành công nghiệp ôtô đã đưa ra chính sách cụ thể hỗ trợ cho sản xuất ôtô. Theo đó Thái Lan hỗ trợ thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 30% xuống 17%; Indonesia giảm từ 30% xuống 10%; Malaysia nội địa hoá càng nhiều thuế tiêu thụ đặc biệt càng giảm; Philippines hỗ trợ 1.000 USD/xe. Riêng với Việt Nam, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô đã được ban hành, nhưng chính sách hỗ trợ thì vẫn chưa được rõ ràng và cụ thể.

Vì vậy, các nhà sản xuất ôtô nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục kiến nghị cần phát triển công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ôtô dựa trên 3 nhóm chính sách trụ cột chính. Thứ nhất, duy trì và thúc đẩy thị trường ôtô tăng trưởng ổn định và dài hạn, gồm cả việc hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường.

Ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng đề nghị Chính phủ tạm hoãn thi hành Nghị định 116 trong thời hạn 18 tháng. Trong thời gian đó, các công ty của Amcham rất mong muốn được trao đổi với Chính phủ nhằm tìm ra giải pháp sửa đổi nghị định này.

Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Cuối cùng, nhóm chính sách và cơ chế phù hợp thực tiễn hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp.

 

Nên đọc
Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo