Nhận diện CPI 2013
Số liệu thống kê trong nhiều năm qua cho thấy, CPI tháng 2 thường cao hơn CPI tháng 1. Tính bình quân từ năm 2004 đến năm 2011, hệ số giữa CPI tháng 2 so với tháng 1 là 1,77 lần.
Không chỉ theo thông lệ các năm trước, hiện còn có một số yếu tố khác tác động đẩy CPI tăng lên tháng 2.
Về tài khoá, tiền tệ - yếu tố trực tiếp tác động đến CPI - đã được nới lỏng từ giữa năm 2012 để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường, nay có thể lại được nới lỏng tiếp với liều lượng cao hơn để giải quyết nợ xấu, tồn kho, bất động sản, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, thực hiện 3 đột phá chiến lược… Về tài khoá, các khoản thu được cắt, giảm, hoãn sẽ được tiếp tục thực hiện, trong khi phát sinh một số khoản mới, nên bội chi ngân sách/GDP theo kế hoạch 2013 vẫn ở mức cao như năm trước (4,8%).
Về tiền tệ - tín dụng, năm 2012 có tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khá cao (ở mức 2 chữ số), tổng dư nợ tín dụng cuối năm 2012 vẫn ở mức ngang bằng với GDP theo giá thực tế, trong khi mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2013 ở mức 12% - vừa cao hơn năm trước, vừa cao hơn gấp đôi tốc độ tăng GDP. Điều này trực tiếp tác động đến lạm phát.
Điều đáng chú ý là, CPI năm 2012 tăng thấp, một phần do giá xuất khẩu giảm (giảm 0,54%), giá nhập khẩu giảm (giảm 0,33%), tỷ giá VND/USD giảm (0,96%). Điều này khác hẳn với mấy năm trước đó, nên tình trạng “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước không xuất hiện. Tuy nhiên, cả 3 yếu tố trên rất có thể tăng lên trong năm nay.
Theo nhóm hàng, giá thực phẩm sẽ không tăng thấp (0,95%) như năm 2012, mà sẽ tăng cao. Điều này được nhận diện trên 2 yếu tố. Thứ nhất, giá thực phẩm lặp đi lặp lại gần như theo chu kỳ là có 1 năm tăng thấp, thì sau đó là 2 năm tăng cao (nếu theo quy luật, năm nay là năm tăng cao). Thứ hai, quan hệ cung - cầu thực phẩm năm nay bị mất cân đối, do chăn nuôi giảm sút.
Từ các yếu tố trên, có thể dự báo, giá thực phẩm dịp Tết và cả năm sẽ tăng đáng kể, kéo theo CPI tháng 2 và cả năm 2013 tăng theo. Do vậy, cần chủ động có biện pháp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, trong đó có việc điều hoà cung - cầu, đảm bảo nguồn hàng để bình ổn giá, thận trọng trong việc điều hành tỷ giá, thận trọng trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường.
Đoàn Huế (Theo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT