Nhận định thị trường chứng khoán ngày 5/11
Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, có thể xem xét tái cơ cấu danh mục theo hướng chuyển sang cổ phiếu cơ bản tốt, được dòng tiền quan tâm.
Có thể lướt sóng đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ
(CTCK ACB - ACBS)
Phiên 4/11, nhóm cổ phiếu bất động sản như DIG, DXG, IJC, OGC, SJS ... bất ngờ tăng mạnh giúp giao dịch trên sàn HOSE sôi động hơn so với phiên trước đó, khối lượng giao dịch tăng 50%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng gồm CTG, EIB, STB và VCB giảm điểm, khiến VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu. Nhìn chung, sự phân hóa của thị trường khiến VN-Index chủ yếu đi ngang quanh tham chiếu trong suốt phiên.
Trên sàn HNX, số mã tăng lấn lướt số mã giảm (gấp 3 lần), dẫn đầu cũng bởi nhóm cổ phiếu bất động sản, giúp HNX-Index đóng cửa vượt đỉnh ngắn hạn 62,3. Khối lượng tăng gần gấp 3 lần so với phiên trước và củng cố phiên tăng điểm.
Khối ngoại chỉ mua ròng gần 8 tỷ đồng trên HOSE và 4 tỷ đồng trên HNX.
Nhà đầu tư có thể lướt sóng đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với mục tiêu lợi nhuận 5%-10%.
Xu thế giằng co sẽ còn kéo dài
(CTCK FPT - FPTS)
Theo quan sát của chúng tôi, thanh khoản trong phiên 4/11 gia tăng đáng kể cho thấy dòng tiền đầu cơ đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn có sự thận trọng nhất định và kỳ vọng của nhà đầu tư là không cao, thể hiện ở áp lực bán tăng nhẹ trong phiên chiều khiến VN-Index đảo chiều giảm nhẹ.
Sự chọn lọc cổ phiếu vẫn diễn ra mạnh mẽ, trong khi các cổ phiếu penny và midcap hồi phục khá tốt thì nhóm cổ phiếu bluechips trong phiên đã không thể phát huy được vai trò dẫn dắt giúp VN-Index vượt qua những khó khăn trong ngắn hạn.
Chính điều này đã khiến cho những nỗ lực hồi phục của thị trường quanh mốc 500 đều khá yếu ớt. Ngoài ra có thể thấy hiện tại này nhà đầu tư nước ngoài mặc dù vẫn duy trì xu thế mua ròng nhưng sức mua không đủ mạnh khiến điểm số không có nhiều biến động.
Với sự vận động của nhóm bluechips như trong phiên 4/11 thì thị trường vẫn chưa cho dấu hiệu có thể bứt phá qua giai đoạn khó khăn này và nhiều khả năng xu thế giằng co sẽ còn kéo dài trong những phiên giao dịch tới.
Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm duy trì sự thận trọng nhất định, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt/cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi giá và việc tìm kiếm cơ hội đầu tư nên hướng đến những cổ phiếu cơ bản tốt, có giá đã điều chỉnh hoặc chưa tăng nhiều trong giai đọan vừa qua.
Tránh mua đuổi gia penny
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Tâm điểm giao dịch của thị trường phiên 4/11 là diễn biến tăng điểm tại các cổ phiếu penny trên cả hai sàn. Trong khi nhóm bluechips đa phần đứng giá thì khá nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ như LAF, TNT, VTO, HDO, ITQ… lại có dư mua trần với số lượng lớn về cuối phiên. Do dòng tiền đầu cơ chủ yếu tìm đến các mã vốn hóa nhỏ nên không có nhiều tác động tới VN-Index về mặt điểm số. Khối lượng giao dịch tăng mạnh so với hai phiên cuối tuần trước, đạt 62 triệu cổ phiếu.
Trong báo cáo mới nhất của HSBC, chỉ số nhà quan trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 10 được công bố ở mức khá tích cực, đạt 51,5 điểm- ngang bằng với mức cao kỷ lục trong tháng 9. Việc PMI tháng 10 vượt mức 50 điểm cho thấy khu vực sản xuất tiếp tục có sự mở rộng tháng thứ 2 liên tiếp. Đáng chú ý, số lượng đơn đặt hàng mới có tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử khảo sát, thể hiện sự cải thiện về cầu trong và ngoài nước. Lĩnh vực việc làm cũng có sự tăng trưởng dù tốc độ tăng có thấp hơn so với tháng 9. Như vậy, với việc chỉ số PMI có sự chuyển biến tích cực tháng thứ 2 liên tiếp, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam nhiều khả năng đã thoát khỏi vùng đáy và dần bước vào xu thế phục hồi.
Trên phương diện kỹ thuật, diễn biến phiên hôm nay không cho nhiều ý nghĩa về mặt xu thế. Xu thế tăng trung hạn của VN-Index vẫn được bảo lưu trong khi khả năng chỉ số tiếp tục đi lên trong ngắn hạn chưa thật sự rõ ràng.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư chỉ nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp, tránh việc mua đuổi các cổ phiếu penny do rủi ro ở nhóm cổ phiếu này luôn ở mức cao.
Vẫn đang có những kỳ vọng
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Thị trường vẫn cho thấy dòng tiền vẫn đang ở trong thị trường và chờ đợi cơ hội.
Tham gia thị trường giai đoạn này thực sự khó bởi tin tốt không tăng mà tin xấu không giảm, có khi lại tăng giá. Cổ phiếu VCG thoái vốn xi măng Cẩm Phả sau bao năm, VND mua 8 triệu cổ phiếu quỹ...giá đi ngang. Cổ phiếu FCM lỗ quý 3 lại tăng giá.
Cho dù vậy thì việc dòng tiền vẫn đang hiện hữu trên thị trường là điều khá tích cực. Nó cho thấy thị trường vẫn đang có những kỳ vọng, nhưng điều quan trọng là kỳ vọng này có thành hiện thực hay không. Bức tranh về lợi nhuận quý III đã gần sáng tỏ và nó sẽ không còn là yếu tố chi phối thị trường nữa.
Xu hướng tăng vẫn còn
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Chúng tôi vẫn ghi nhận rằng xu hướng tăng của VN-Index tiếp diễn.
Tuy nhiên, chiều hướng tăng của chỉ số đã chậm lại và có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy trong thời gian tới. Mô hình giá hiện tại chưa đưa tín hiệu chốt lời rõ ràng.
Do đó, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Cổ phiếu Sông Đà tiếp tục hút dòng tiền
(CTCK MaritimeBank - MSBS)
Thị trường vẫn đang giao dịch giằng co, phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu tạo nền tảng. Như chúng tôi đã dự báo, thị trường sẽ cần thêm thời gian để chờ cú hích tăng trưởng.
Chúng tôi khá lạc quan trong thời gian tới và cho rằng thị trường sẽ không giảm sâu thời điểm này.
Trong phiên 5/11, thị trường sẽ tăng nhẹ và nhóm cổ phiếu đầu cơ, bao gồm cả nhóm cổ phiếu Sông Đà tiếp tục hút dòng tiền.
Nhà đầu tư vẫn có thể giải ngân vào một vài cổ phiếu tốt và midcaps đầu cơ có dòng tiền ổn định trong thời gian qua để đón đầu xu thế tăng mới.
Tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng 500
(CTCK BIDV - BSC)
Thanh khoản phiên 4/11 có cải thiện đáng kể so với phiên trước nhưng có thể thấy dòng tiền chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ đã khiến cho VN-Index dao động lình xình quanh ngưỡng tham chiếu dù có đến 143 mã tăng giá.
Việc các thông tin tích cực gần đây đã được thị trường hấp thụ hết trong tháng 10 khiến hiện tại thị trường đang thiếu động lực tăng giá và quá trình tích lũy, đi ngang quanh ngưỡng 500 điểm có thể kéo dài trong các phiên tới nếu như không có những tín hiệu mới từ vĩ mô cũng như chính sách.
Thị trường vẫn chưa thu hút được dòng tiền đáng kể
(CTCK MB - MBS)
Thị trường phiên 4/11 đi lên khi VN-Index giữ điểm nhẹ còn HN-Index tăng điểm; thanh khoản ở mức trung bình thấp. Cả hai chỉ số tiếp tục giằng co trong vùng kháng cự trung hạn.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, hiện tại thị trường vẫn chưa thu hút được dòng tiền đáng kể, để có thể tạo tạo ra những đợt tăng điểm mạnh.
Nên duy trì trạng thái danh mục
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Chỉ số VN-Index biến động giá không đáng kể với thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước. Dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp kỳ vọng thông tin hỗ trợ, thể hiện quan điểm đầu cơ. Đa số cổ phiếu Bluechips, chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính Index, đứng giá hoặc giảm giá.
Thị trường vẫn đang trong diễn biến điều chỉnh sau xu hướng tăng từ cuối tháng 8, phản ứng với ngưỡng cản kỹ thuật 505 điểm. Chúng tôi duy trì quan điểm thị trường chung dao động hẹp trong khoảng 495-500 điểm.
Dòng tiền dự báo vẫn quay vòng nhanh chóng quanh nhóm cổ phiếu nhỏ, có hệ số cơ bản khả quan, thuộc nhóm ngành nghề kỳ vọng thông tin hỗ trợ như xây dựng, vật liệu xây dựng, BĐS, dầu khí...
Đối với sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp từ mốc hỗ trợ kỹ thuật 61 điểm với thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước. Diễn biến tăng điểm với thanh khoản tăng cho tín hiệu khá tích cực về mặt kỹ thuật. Lực cầu đang quan tâm hơn tới sàn HNX, sau thời gian dài nhóm cổ phiếu tại sàn này theo xu hướng giảm vì thiếu hỗ trợ của dòng tiền.
Ngưỡng cản kỹ thuật gần nhất đối với chỉ số HNX-Index là khoảng 63 điểm. Thị trường dự báo có phản ứng tại ngưỡng cản này, đặc biệt khi HNX-Index đã tăng điểm 5 phiên liên tiếp. Mặt khác, diễn biến tăng nóng của nhóm cổ phiếu nhỏ mang tính đầu cơ dự kiến không kéo dài, dòng tiền sẽ có sự luân chuyển nhanh chóng giữa từng nhóm cổ phiếu.
Nhà đầu tư nên duy trì trạng thái danh mục, có thể xem xét tái cơ cấu danh mục theo hướng chuyển sang cổ phiếu cơ bản tốt, được dòng tiền quan tâm. Cần tránh mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng khi diễn biến tăng mang tính đầu cơ khó kéo dài.
Theo ĐTCK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo