Thị trường

Nhân nhượng nợ xấu: Đã có phán quyết cuối cùng

Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ mà được cơ cấu lại nợ và không phải chuyển nhóm sẽ có thêm một năm nữa để hưởng cơ chế hỗ trợ này.

Như vậy, sau một lần lùi thời điểm áp dụng Thông tư 02, sau rất nhiều ý kiến về chính sách này, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ấn định những sửa đổi, bổ sung. Cùng với đó, sứ mệnh của Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ nhưng không phải chuyển nhóm cũng chính thức được xác định thời điểm kết thúc.

Thông tư 09 vừa ban hành có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý, khớp với định hướng mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó.

Thứ nhất, Thông tư 09 đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành để mua nợ xấu.

Thứ hai, bổ sung yêu cầu tổ chức tín dụng định kỳ phải tự đánh giá tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị của những tài sản đó phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền phải trích lập dự phòng cụ thể

Thứ ba, một trong những quy định đáng chú ý nhất của Thông tư số 09 và liên quan đến Quyết định 780 nói trên, bổ sung quy định tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với điều kiện chặt chẽ hơn; đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Các tổ chức tín dụng phải kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ; việc cơ cấu này chỉ được thực hiện một lần.

Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên ra soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại, không được tiếp tục cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ theo đúng thời hạn đã được cơ cấu lại.

Định kỳ, các tổ chức tín dụng phải báo cáo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng về tình hình cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Thông tư 09 và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2015. Như vậy, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trả nợ mà được cơ cấu lại sẽ có thêm một năm nữa để hưởng cơ chế hỗ trợ này.

Thứ tư, Thông tư 09 bổ sung và sửa đổi quy định đối với các khoản nợ vi phạm pháp luật và các khoản nợ phải thu hồi theo quyết định thanh tra. Theo đó, các khoản nợ này được phân loại tối thiểu vào nhóm 3 và tùy theo thời gian quá hạn kể từ ngày ra quyết định thu hồi nợ hoặc kể từ ngày phải thu hồi theo kết luận của thanh tra, các khoản nợ này phải được phân loại vào nhóm 4 hoặc nhóm 5 tương ứng.

Thứ năm, một sửa đổi và bổ sung quan trọng nữa từ Thông tư 09 đối với Thông tư 02 là việc điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cũng sẽ được nới, theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng chưa phải thực hiện quy định này cho đến ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên, trong thời gian chưa áp dụng các tổ chức tín dụng vẫn phải tự phân loại nợ và gửi kết quả cho CIC để tổng hợp và giám sát.

Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo