Thị trường

Nhận thế chấp 300.000 thẻ cào giả: MB Bank làm sai nguyên tắc hoạt động thế chấp tài sản

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, MB Bank đồng ý cho thế chấp 300.000 thẻ cào giả của MobiFone là sai nguyên tắc hoạt động thế chấp tài sản.

Thế chấp thẻ cào không an toàn

Những ngày qua, thông tin 4 đối tượng sử dụng tư cách pháp nhân của 3 Công ty viễn thông tại Hải Dương, dưới chiêu bài vay vốn kinh doanh, dùng thẻ cào giả của MobiFone làm tài sản thế chấp, vay đến 35 tỉ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội chi nhánh Hải Dương (MB Bank Hải Dương) đang đặt ra dấu hỏi lớn trong vấn đề thẩm tra tài sản thế chấp trong hoạt động vay vốn của Ngân hàng MB Bank.
 
Trước câu hỏi này, một chuyên gia tài chính ngân hàng (xin được giấu tên – PV) đã thẳng thắn chỉ ra những lỗ hổng về nghiệp vụ của Ngân hàng MB Bank Hải Dương. Theo đó, trong hoạt động ngân hàng một tài sản thế chấp phải luôn đảm bảo 3 điều kiện: Có giá trị; Có tính thanh khoản và có sự kiểm soát. Dựa trên nguyên tắc đó, xét trên khía cạnh nào tài sản thế chấp thẻ cào điện thoại cũng không đủ điều kiện. 
 
Thứ nhất về nguyên tắc giá trị, thẻ cào điện thoại trên thị trường có giá trị nhưng giá trị thẻ cào lại được cung cấp bởi bên thứ 3 là MobiFone. Vì thế để thẻ cào trở thành tài sản thế chấp có giá trị khi tiến hành hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản phải có 3 bên cùng ký gồm khách hàng, ngân hàng và nhà mạng MobiFone.
 
Sở dĩ cần 3 bên ký vì thẻ cào chỉ có giá trị khi được xác nhận bởi MobiFone, khi MobiFone ký xác nhận có nghĩa trong bất kỳ trường hợp nào, thẻ cào đó cũng đều có giá trị tương đương với định giá thế chấp của nó. Nếu ngân hàng thực hiện bước này sẽ loại bỏ nguy cơ mà trong thực tế có thể xảy ra như thẻ cào hết hạn, hệ thống điện toán gặp vấn đề số mã thẻ cào có thể không sử dụng được, nhà mạng phá sản…
 
Như vậy tài sản thế chấp bằng thẻ cào sẽ không có giá trị, đó là chưa kể trường hợp này là thẻ cào giả.
 
Thứ hai tính thanh khoản, có thể hiểu đơn giản ngân hàng có thể dùng thẻ cào này để bán ra thị trường thu hồi vốn. Điều này không dễ bởi khi có thông tin thẻ cào giả sẽ không ai dám mua số thẻ cào này của ngân hàng. Vì vậy tính thanh khoản ở đây rất mong manh, không đảm bảo.
 
Thứ ba việc kiểm soát tài sản thế chấp, không giống tài sản như nhà, đất, ô tô… những tài sản ngân hàng dễ dàng kiểm soát. Nhưng với thẻ cào điện thoại, giá trị của nó phụ thuộc đơn vị thứ 3.
 
Nếu trong trường hợp nhà mạng hủy giá trị số thẻ đó, ngân hàng không dễ để biết được. Tài sản thế chấp là tài sản bảo đảm cho khoản vay thông thường trong trường hợp người vay không còn khả năng trả nợ thì tài sản thế chấp mới được tính đến như phương án để thu hồi vốn. 
 
Từ đó vị chuyên gia này khẳng định, việc chấp nhận cho thế chấp bằng thẻ cào điện thoại của MB Bank Hải Dương là không đúng nguyên tắc hoạt động tín dụng của ngân hàng.
 
Lỗ hổng ở đây chính là con người, có thể chính cán bộ ngân hàng dù biết rõ không an toàn nhưng vì mục đích nào đó vẫn cố hoàn thiện hồ sơ thuyết trình để ngân hàng đồng ý với tài sản thế chấp là thẻ cào.
 
Mặt khác, có thể nghiệp vụ về thẩm định giá trị tài sản thế chấp của cán bộ ngân hàng kém. Đây là hạn chế chung của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Hầu hết các ngân hàng đều để cán bộ tự thẩm định giá trị tài sản thế chấp, cách làm này không chuyên nghiệp.
 
Ở các nước, ngân hàng đều thuê đơn vị thứ 3 chuyên làm nhiệm vụ thẩm định giá một cách chuyên nghiệp. Từ đó đảm bảo giá trị tài sản thế chấp được đảm bảo, ngân hàng không thất thoát vốn.
 
Lỗ hổng của MB Bank
 
Liên quan đến sự việc trên, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) thừa nhận việc đang cho các đối tượng trên thế chấp gần 300.000 thẻ cào MobiFone nghi làm giả để vay vốn kinh doanh tại MB Bank Hải Dương.
 
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) khẳng định quan điểm tuân thủ quy trình thẩm định ở mức cao nhất và kiên quyết xử lý mọi sai phạm theo đúng quy định của Pháp luật cũng như của Ngân hàng.
 
Tuy khẳng định mình tuân thủ quy trình thẩm định ở mức cao nhất nhưng theo phân tích của Ths.LS Trương Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội), lỗ hổng Ngân hàng MB Bank Hải Dương chính là sơ hở, thiếu sót trong quá trình nhận thế chấp.
 
“Thậm chí như thông tin báo chí đưa tin về việc MB Bank Hải Dương còn chuyển tiền vào tài khoản khách hàng trước khi nhận tài sản thế chấp, rõ ràng ở đây làm sai cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân”, LS Tuấn cho biết.
 
Theo LS Trương Anh Tuấn, việc MB Bank khẳng định đã tuân thủ đúng quy trình thẩm định mức cao nhất về tài sản thế chấp chứng tỏ quy trình thẩm định tài sản thế chấp của MB Bank có vấn đề cần phải xem lại. Thực tế trong hoạt động ngân hàng, với tài sản thế chấp mà giá trị dựa vào đơn vị khác như trái phiếu công ty, thẻ cào điện thoại… MB Bank Hải Dương cần phải tìm đến đơn vị thứ 3 để xác định rõ giá trị, nguồn gốc tài sản thế chấp.
 
Xâu chuỗi vấn đề, LS Tuấn cho rằng MB Bank Hải Dương để lỗ hổng lớn trong quản lý vì vậy nguy cơ số tiền hàng chục tỉ trở thành nợ xấu là hiện hữu.
 
“Lỗ hổng lớn trong quản lý thẩm định và rà soát tài sản thế chấp của MB Bank Hải Dương đã lộ rõ, vấn đề MB Bank phải nhìn thấy lỗ hổng để khắc phục. Còn trong trường hợp này, MB Bank Hải Dương cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan để xử lý đúng quy định của pháp luật”, LS Tuấn kết luận.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo