Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng gần 300%
Trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc tăng đáng kể với 8,86 nghìn chiếc, tăng 289% so với cùng kỳ.
Tổng cục Hải quan vừa công bố tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2015,theo số liệu thống kê, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 4/2015 giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn đứng ở mức cao với hơn 9,9 nghìn chiếc. Theo đó trị giá ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong tháng 4/2015 là 294 triệu USD, tăng 9%.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là hơn 35 nghìn chiếc, trị giá gần 880 triệu USD, tăng mạnh 131% về lượng và tăng mạnh 180,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 13,2 nghìn chiếc, tăng 89,3%; ô tô tải là 12,93 nghìn chiếc, tăng 93,6%; ô tô loại khác: 8,89 nghìn chiếc, gấp 5,9 lần.
Theo số liệu thống kê, trong kỳ, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc tăng đáng kể với 8,86 nghìn chiếc, tăng mạnh 289%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc: 7,74 nghìn chiếc, tăng 48%; Thái Lan: 6,85 nghìn chiếc, tăng mạnh 165%, Ấn Độ: 5,7 nghìn chiếc, tăng mạnh 164%; Nhật Bản: 2,29 nghìn chiếc, tăng 120% so với cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 67,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với châu Mỹ là 16,66 tỷ USD, tăng 19,4% so với 4 tháng/2014; với châu Âu là 13,82 tỷ USD, tăng 6,9%; với châu Đại Dương là 1,9 tỷ USD, tăng giảm 5,1% và châu Phi là 1,52 tỷ USD tăng 15%.
Trong kỳ, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Á vẫn cao nhất với 24,63 tỷ USD; tiếp theo là Châu Mỹ với 12,47 tỷ USD; Châu Âu là 10,46 tỷ USD; Châu Đại Dương là 1,08 tỷ USD và Châu Phi là 1,05 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa từ các nước Châu Á đạt mức 42,94 tỷ USD chiếm gần 83% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước; với Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Phi lần lượt là 4,19 tỷ USD; 3,36 tỷ USD; 0,81 tỷ USD và 0,46 tỷ USD.
Về xuất khẩu, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam. Trong 4 tháng/2015 xuất khẩu sang thị trường này đạt 9,93 tỷ USD tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2014; với EU là 9,32 tỷ USD tăng gần 9%; ASEAN là 6,02 tỷ USD giảm nhẹ 0,5%; Trung Quốc là 4,82 tỷ USD giảm 3,6%,…
Về nhập khẩu Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam trong 4 tháng đàu năm 2015 với trị giá là 15,3 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc cũng đạt mức khá cao với 8,84 tỷ USD, tăng 22,4% (tương đương tăng 1,62 tỷ USD), tiếp theo là ASEAN với 7,74 tỷ USD tăng 7,7%…
Thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước tăng gấp 3 lần
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 4/2015 đạt 26,55 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Trong đó xuất khẩu là 13,35 tỷ USD nhỉnh hơn 0,02% so với tháng trước và nhập khẩu là 13,2 tỷ USD, giảm 10,4% (tương ứng giảm 1,54 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hoá trong tháng thặng dư 148 triệu USD.
Sau 1/3 chặng đường của năm, xuất nhập khẩu đã đạt được kim ngạch gần 101,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng/2015 đạt gần 49,7 tỷ USD, tăng 6,9% và nhập khẩu gần 51,8 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,1 tỷ USD, bằng 4,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,1 tỷ USD).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong 4 tháng/2015 đạt 64,91 tỷ USD, tăng 19,4% (tương ứng tăng 10,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014; trong đó kim ngạch xuất khẩu là 33,63 tỷ USD, tăng 16,3% và kim ngạch nhập khẩu là 31,28 tỷ USD, tăng 23,1%.
Khu vực doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước (doanh nghiệp trong nước) đạt kim ngạch gần 36,6 tỷ USD, bằng với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt gần 16,07 tỷ USD, giảm 8,6% và nhập khẩu là 20,49 tỷ USD, tăng 8%.
Cán cân thương mại vẫn theo xu hướng thặng dư ở khối các doanh nghiệp FDI và thâm hụt ở khối các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể: trong 4 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI có mức thặng dư là 2,35 tỷ USD, giảm 33,1%; trong khi đó, cán cân thương mại của khối các doanh nghiệp trong nước thâm hụt tới 4,43 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Hậu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Cột tin quảng cáo