Thị trường

Nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ, doanh nghiệp thép 'kêu trời'

Đề xuất doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải kí quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu là quá lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các DN, nhất là DN ngành thép.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam xung quanh những quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, được trình bày tại Hội thảo lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Khó khăn sẽ chồng chất khó khăn
 
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, năm 2013, toàn ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm nay, dự tính sản lượng sẽ đạt 6 triệu tấn thép thô. Trong đó, 80-90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang với nguyên liệu chính là sắt thép phế liệu.
 
 Nếu áp dụng quy định của Dự thảo, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu của ngành thép sẽ là hơn 1 tỷ USD/năm. Ảnh: ST
 
Trên thực tế, mỗi năm toàn ngành thép phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỷ USD. "Nếu như vậy, theo tính toán của chúng tôi, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu sẽ là hơn 1 tỷ USD/năm. Thực sự đây là gánh nặng quá lớn đối với các DN ngành thép, nhất là trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay”, ông Sưa nhấn mạnh.
 
Bên cạnh ý kiến của đại diện ngành thép, đại diện Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng có ý kiến lo ngại cho tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành nếu như áp dụng quy định như trong Dự thảo Luật.
 
"Phải kí Quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu sẽ là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho DN", ông Trần Miên, nguyên trưởng ban Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam nói.
 
Bên cạnh đó, ông Miên phân tích, DN phải lo hai khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường là ký quỹ và thực hiện đề án cải tạo. Trong khi đó, tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất. Do vậy, cần có các quy định hướng dẫn để giảm gánh nặng cho DN về tài chính.

Ký quỹ nên càng thấp càng tốt
 
Chính vì vậy, nhiều DN cho rằng, trong quy định cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng nên xem xét việc loại bỏ hoặc cắt giảm mức giá trị tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.
 
Trước những kiến nghị đó, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Ban soạn thảo dự thảo đã cân nhắc giảm mức giá trị tiền ký quỹ về 50% thay vì 80% như trước. Tuy nhiên, theo ông Sưa, với mức ký quỹ 50%, số tiền mà các DN ký quỹ cũng sẽ tương đương 500 triệu USD/năm.
 
"Trong khi DN thép trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, thì quy định trên sẽ làm giảm cạnh tranh của sản phẩm thép trong nước. Nên hạ mức ký quỹ này ở mức từ 1 - 5% để giúp cho ngành thép đứng vững được trong bối cảnh hội nhập", ông Sưa nói.
 
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đều chung một kiến nghị là quy định mức kí quỹ nhập khẩu phế liệu ở mức càng thấp càng tốt, để giảm bớt khó khăn cho DN.
 
Các DN cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần "gần" hơn nữa với DN trên cơ sở bảo vệ môi trường và lợi ích của DN. Hiện tại, giữa hai bên vẫn còn khoảng cách. Và nếu khoảng cách càng lớn, DN vì "mưu sinh" nên có thể sẽ tìm các công cụ hỗ trợ để qua mặt cơ quan quản lý.
Thời báo Tài chính
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo