Nhập nhèm tên sữa cho trẻ em: Ai được lợi?
Thời gian gần đây, các hãng sữa đồng loạt thay đổi tên gọi thành thức ăn công thức, thức ăn bổ sung, thực phẩm chức năng... không còn mang nhãn sữa bột như trước. Lý do được các hãng sữa đưa ra là thay đổi cho phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Thực chất, việc thay đổi này đem lại lợi ích cho ai?
Giải thích lý do đổi tên sữa, Phó cục trưởng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho rằng, theo Quy chuẩn Việt Nam, sản phẩm sữa dạng bột phải có hàm lượng 34% độ đạm trở lên. Như vậy, chỉ có 4 loại sản phẩm đáp ứng đúng quy chuẩn này, bao gồm: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Vì vậy, những sản phẩm từ trước tới giờ được gọi là sữa nhưng không đáp ứng đúng quy chuẩn này sẽ phải đổi tên. Việc đổi tên không làm thay đổi chất lượng sữa.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là Quy chuẩn Việt Nam số 5 -2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột được ban hành và có hiệu lực từ năm 2010, thì vì sao đến nay cơ quan chức năng mới nhắc tới?
Ngoài ra, Luật Giá hiện hành cũng quy định sữa dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi nằm trong danh mục hàng bình ổn giá. Điều đó cũng có nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước có quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi khi quyết định bình ổn giá, định giá hoặc khi giá có biến động bất thường. Như vậy, nếu các loại sữa bột dành cho trẻ em lâu nay đều đổi tên thành thức ăn công thức, thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… thì phải chăng sẽ thoát được việc nằm trong danh mục hàng bình ổn giá và phải chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước?
Và nếu bắt buộc phải đổi tên theo Quy chuẩn thì vì sao không thống nhất tên gọi (như trước kia đã từng thống nhất với tên gọi sữa bột) mà lại cho phép mỗi doanh nghiệp sử dụng một tên gọi khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý và gây hoang mang cho người tiêu dùng?
Cùng với đó, người ta không thể không đặt câu hỏi cho trách nhiệm của Bộ Y tế, mà cụ thể ở đây là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, về việc kiểm soát chất lượng và thành phần dinh dưỡng của sữa.
Thực tế, khi dư luận hoang mang về hàm lượng iod có trong các loại sữa nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi Trung tâm an toàn thực phẩm Hong Kong thông báo về hai loại sữa dành cho trẻ từ 0 đến 9 tháng tuổi như Wakodo, Meiji, Morinaga… có hàm lượng iốt thấp hơn so với tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex), thì trong tháng 8.2012, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thông báo sẽ cho kiểm tra thành phần iod của hai loại sữa này.
Tuy nhiên, gần 10 tháng sau vụ việc này, cơ quan chức năng vẫn chưa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu sữa nêu trên và người tiêu dùng vẫn lo lắng khi tìm mua loại sản phẩm này.
Sữa là thức ăn không thể thiếu đối với trẻ và là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho những người cần được chăm sóc đặc biệt như người già, người bệnh, phụ nữ có thai... Chính vì lẽ đó, nhiều năm nay, dù cho giá sữa ở Việt Nam cao ngất ngưởng, sau 6 năm đã tăng tới 30 lần, mỗi lần tăng từ 10 - 15%, trong khi lương tối thiểu suốt 6 năm qua chỉ tăng 6 lần, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn buộc phải chấp nhận. Mỗi lần đổi tên, thay đổi bao bì, các hãng sữa lại thêm một lần kiếm cớ để tăng giá sữa.
Từ đầu năm 2013 đến nay giá sữa đã có thêm 3 lần tăng cùng với việc đổi tên từ sữa bột sang các tên gọi nêu trên. Xin được nhắc lại, đó là khi đăng ký với cơ quan quản lý, doanh nghiệp khai thực phẩm dinh dưỡng, nhưng khi quảng cáo trên truyền thông vẫn gọi là sữa bột. Tại các tờ khai hải quan, tất cả các hãng sữa nhập khẩu cũng đều thực hiện lách luật bằng cách ghi đăng ký với Bộ Y tế là thực phẩm dinh dưỡng bổ sung, nhưng có chữ thực phẩm dinh dưỡng bổ sung: sữa bột. Với cách ghi này, Hải quan vẫn phải cho thông quan vì doanh nghiệp kê khai theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bằng cách khai báo này, sản phẩm sẽ được đánh mã nhập khẩu khác và tránh được việc kiểm soát giá.
Có lẽ không khó trả lời câu hỏi ai sẽ được lợi khi tên gọi của sữa không rõ ràng. Nhưng sẽ rất khó để quản lý giá cả và chất lượng thị trường sữa, nếu như những lợi ích nhóm tiếp tục chi phối thị trường này, khiến cho thông tin về giá cả, chất lượng và thành phần các mặt hàng sữa trở nên kém minh bạch.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc ô tô đắt khách dịp cận Tết
Mùa Tết của những làng nghề đặc sản trăm tuổi ở miền Tây
Đi chợ Tết ngày cuối năm - Nét văn hoá của người Việt
Cần Thơ bắn hơn 1.000 quả pháo hoa mừng Tết Nguyên đán
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Ngành đường sắt bán hơn 434.000 vé trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Cột tin quảng cáo