Nhập siêu giảm mạnh chưa hẳn đã vui
Số liệu từ ngành thống kê vừa công bố cho thấy, nhập siêu tháng 4/2012 là 400 triệu USD, bằng 4,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và tính chung 4 tháng đầu năm nhập siêu ở mức 176 triệu USD, bằng 0,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu nói trên đã giảm mạnh. Nhập siêu tháng 4/2011 là 1,4 tỷ USD, bằng 19,2% và 4 tháng năm 2011 là 4,9 tỷ USD, bằng 18,2%.
Tỷ lệ nhập siêu trong bốn tháng đầu năm trong biểu đồ đi xuống do được hỗ trợ tích cực từ xuất khẩu trong nước tăng mạnh và sự suy giảm các mặt hàng nhập khẩu.
Về lý thuyết, nhập siêu giảm là đáng mừng, song trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, điều đó lại trở thành quan ngại. Nó thể hiện sự suy giảm của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước nên nhu cầu nhập nguyên, nhiên, phụ liệu sản xuất đang có nhu cầu thấp.
Một chuyên gia kinh tế bình luận, nhập khẩu giảm báo hiệu tín hiệu tăng trưởng công nghiệp thấp do ngành này của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu từ bên ngoài.
“Thông thường phải nhập khẩu từ đầu năm để giữa và cuối năm đưa ra sản phẩm. Khi không nhập khẩu nữa có nghĩa là doanh nghiệp đang bế tắc về đầu ra. Đây là tín hiệu buồn để nói lên tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới vẫn còn u ám”, chuyên gia này nói.
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2012, nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ sản xuất có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Đó là ôtô chỉ đạt 682 triệu USD, giảm 34,2% (trong đó ôtô nguyên chiếc đạt 169 triệu USD, giảm 56,9%); xăng dầu giảm 21,9% (2,9 tỷ USD); vải cho ngành dệt may giảm 6,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 0,8%...
Ngược lại, trong 4 tháng đầu năm, một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu có kim ngạch tăng so với cùng kỳ là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD (tăng 98,7%), sắt thép 2 tỷ USD (2,9%), hóa chất 949 triệu USD (13,9%)...
Ở chiều xuất khẩu, một số mặt hàng ghi nhận kim ngạch tăng mạnh là dệt may đạt 4,4 tỷ USD tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2011; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD, tăng 58,2%.
Thống kê cho thấy, các mặt hàng không thuộc nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng cao trong đầu năm nay là điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD (98,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD (95,2%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,7 tỷ USD (58,2%)...
Cùng đó, một số mặt hàng nòng cốt tiếp tục khẳng định vị thế, như giầy dép đạt gần 2 tỷ USD (tăng 9,3%); thủy sản đạt 1,8 tỷ USD (13,3%).
Ngược lại, xuất khẩu dầu thô, cà phê và gạo lại giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó gạo giảm nhiều nhất với tỷ lệ tương ứng 28,1% và giảm 27,8%.
Tính chung về tình hình xuất nhập khẩu trong tháng 4 này, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2011; nhập khẩu là 9 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước và xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước với sự đóng góp từ khu vực kinh tế trong nước 12,8 tỷ USD, tăng 4,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,6 tỷ USD, tăng 36,4%.
Trong khi đó, nhập khẩu đạt 33,58 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011, giá trị nhập khẩu từ khu vực kinh tế trong nước là 16,1 tỷ USD (giảm 11,9%) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD (tăng 25,9%).
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 66,8 tỷ USD.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin