Nhập siêu trở lại, lo ngại giảm dần
Đây là diễn biến đáng chú ý trong bức tranh xuất, nhập khẩu, xuất, nhập siêu trong 9 tháng và 10 tháng 2012 theo công bố của Tổng cục Thống kê.
XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ XUẤT, NHẬP SIÊU 9 THÁNG, 10 THÁNG 2012 (tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Từ xuất, nhập khẩu và xuất, nhập siêu trong 9 tháng và 10 tháng 2012, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý.
Thứ nhất, xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước của 9 tháng tăng 18,6% và của 10 tháng tăng chậm hơn một chút, nhưng vẫn đạt 18,4%. Đó là những tốc độ tăng khá cao, không chỉ vượt xa so với tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho năm 2012 (tăng 10%), mà còn cao hơn so với tốc độ tăng tương ứng của các ngành, lĩnh vực khác. Điều đó chứng tỏ, xuất khẩu là lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất trong 9, 10 tháng qua, góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân vãng lai, cán cân tổng thể, làm tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá trong thời gian tương đối dài.
Thứ hai, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đã đạt tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (đạt gần 55,2%) và tăng với tốc độ cao hơn khu vực kinh tế trong nước. Kết quả này chủ yếu do khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế về vốn, về kỹ thuật- công nghệ, về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, về quảng cáo, tiếp thị, về sự hỗ trợ của các công ty mẹ với mạng lưới chi nhánh rộng khắp trên thế giới.
Thứ ba, “Câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên mới qua 10 tháng đã có 22 thành viên (thêm 1 thành viên so với 9 tháng), trong đó có 6 mặt hàng đạt từ 5 tỷ USD trở lên (tăng 1 mặt hàng so với 9 tháng), cao nhất là dệt may 12,54 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện 9,93 tỷ USD, dầu thô trên 7 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 6,1 tỷ USD, giày dép gần 5,7 tỷ USD, thuỷ sản trên 5 tỷ USD.
Thứ tư, nếu 2 tháng còn lại bình quân 1 tháng đạt bằng mức xuất khẩu của tháng 10 (9,9 tỷ USD), thì cả năm sẽ đạt gần 113,3 tỷ USD. Nếu đạt được mức này, thì xuất khẩu năm 2012 so với năm 2011 sẽ tăng 16,9%, vượt xa so với tốc độ tăng theo chỉ tiêu kế hoạch và đạt đỉnh cao nhất về quy mô kim ngạch xuất khẩu, về xuất khẩu bình quân đầu người, về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP...
Thứ năm, Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu trong 9 tháng sang nhập siêu trong 10 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do tháng 10 có sự chuyển đổi khác với 9 tháng. Xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9, nhưng chỉ tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng 18,6% của 9 tháng. Nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD tăng tới 11,7% so với tháng 9, cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi tốc độ tăng của 9 tháng (tăng 6,1%). Do vậy, nếu 9 tháng xuất siêu thì tháng 10 đã nhập siêu 0,5 tỷ USD và tính chung 10 tháng đã chuyển sang nhập siêu.
Thứ sáu, từ việc chuyển sang nhập siêu trong tháng 10 và 10 tháng đã đặt ra một số vấn đề. Trước hết, việc nhập siêu trở lại khiến các nhà phân tích bớt băn khoăn, lo lắng. Bởi vì 9 tháng xuất siêu nhưng có một nguyên nhân quan trọng là do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng bị co lại; bước sang tháng 10 nhập siêu trở lại là dấu hiệu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng đã “vượt dốc đi lên”. Nếu nhập khẩu trong 2 tháng cuối năm bằng với mức của tháng 10 (10,4 tỷ USD), thì cả năm sẽ ở mức 114,6 tỷ USD; mức nhập siêu cả năm sẽ là 1,3 tỷ USD, thấp xa so với mức trên 9,84 tỷ USD của năm 2011 và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu sẽ là 1,1%, thấp xa so với tỷ lệ 10,2% tương ứng của năm 2011.
Thứ bảy, tuy vậy, vẫn phải chú ý kiềm chế nhập siêu, nhất là đối với những mặt hàng không khuyến khích, những mặt hàng lạm dụng tạm nhập tái xuất, các mặt hàng nhập lậu. Về thị trường, cần có sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đồng thời cần đẩy mạnh quan hệ về mặt nhà nước đối với các thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan). Nếu giảm nhập siêu ở các thị trường này, Việt Nam sẽ chuyển sang vị trí xuất siêu.
Hồng Lĩnh (Theo Chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 9/1/2024: Chạm đỉnh trong gần bốn tuần
Xuất khẩu Việt Nam 2025: 2 kịch bản ứng phó trước chính sách mới từ Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 9/1/2025: USD tăng mạnh do lợi suất trái phiếu Mỹ đi lên
Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD
Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam
Giá heo hơi ngày 9/1/2025: Nhích tăng tại miền Bắc