Nhập thuốc ung thư giả: VN Pharma lập hàng loạt công ty "con"
Khi thành lập công ty và giữ chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma, ông Nguyễn Minh Hùng mới 33 tuổi, theo tin tức trên báo Tuổi trẻ.
Là công ty “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhiều người trong ngành dược, đặc biệt là tại TP.HCM, rất ngạc nhiên trước tốc độ phát triển chóng mặt và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm rất nhanh của VN Pharma.
Theo nhiều tài liệu được công bố công khai của Công ty VN Pharma, công ty này tham gia thị trường phân phối dược phẩm bắt đầu từ tháng 11/2011. Cuối tháng 5/2012 VN Pharma tiến hành đại hội cổ đông, đại hội công nhân viên lần đầu tiên.
Điều đặc biệt hơn dù chỉ mới “chào đời” được 4 tháng tuổi, VN Pharma đã thành lập VN Pharma An Giang (27/2/2012). 8 tháng sau kể từ ngày thành lập, VN Pharma tiếp tục “sinh” thêm VN Pharma Cà Mau (18/6/2012).
Phát triển hệ thống phân phối xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ xong, cuối năm 2012 công ty này tiếp tục “Bắc tiến” thành lập chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc.
Để thực hiện mục tiêu hoạt động đa lĩnh vực trong ngành y tế, công ty này còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11/2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế, VN Logistics (tháng 3/2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược, VN Clinic (tháng 7/2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám.
Dù đã “sinh thêm nhiều con” nhưng VN Pharma vẫn tiếp tục thành lập thêm nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV dược Nam Anh (ông Nguyễn Minh Hùng làm phó tổng giám đốc), Công ty CP dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma.
Tháng 8/2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau (ngày 5/7/2014) tại đại hội đồng cổ đông lần 3 (nhiệm kỳ 1/2014), ông Hùng đã báo cáo năm 2013 doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty này đạt 971 tỉ đồng và (lúc đó) dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma đạt 1.077 tỉ đồng...
Theo cáo trạng của VKS, ông Nguyễn Tấn Đạt (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược), ông Phạm Công Chiến (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) – là những người trong Tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500 mg Caplet của Công ty VN Pharma, báo Vietnamnet đưa tin.
Thế nhưng, thật kỳ lạ, Tổ thẩm định lại hoàn toàn không phát hiện Công ty Austin (Hồng Kông) – đơn vị bán thuốc cho VN Pharma – đã hết hạn giấy phép hoạt động, một số nội dung không thống nhất với hồ sơ như: màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng.
Tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc. Lô thuốc H-Capita trên thực tế, có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vĩ rỗng không có viên thuốc nào, quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ.
Dù quy trình xin cấp phép nhập khẩu thuốc của VN Pharma có một loạt sai sót nghiêm trọng như vậy nhưng Tổ thẩm định vẫn đề xuất Cục trưởng Cục Quản lý Dược là ông Trương Quốc Cường ký duyệt, cấp phép cho Công ty Pharma nhập hàng.
Cũng theo truy tố của VKS, Cơ quan điều tra không truy cứu hình sự các công chức Bộ Y tế vì sau khi cấp phép, Cục quản lý Dược đã kịp thời kiểm tra và niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường. Trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án, Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra để làm rõ hành vi sai phạm của VN Pharma, vì vậy xét thấy không cần thiết xử lý hình sự các cá nhân nêu trên.
Tuy nhiên, với các sai phạm này, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xử lý, khắc phục thiếu xót trong quản lý kinh doanh dược phẩm. Theo văn bản, Cơ quan an ninh điều tra nhận định hành vi của các bị cáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh.
Tại phần tuyên án ngày 25/8, TAND TP.HCM đã kiến nghị kiến làm rõ hành vi của các đối tượng là cán bộ Cục Quản lý dược, nếu có sai phạm sẽ khởi tố thành một vụ án khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo