Quốc tế

Nhật Bản và Australia phát tín hiệu gia nhập AIIB

Ngày 20/3, Nhật Bản đã phát tín hiệu tán thành một cách thận trọng về việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Toykyo khẳng định rằng, nếu các điều kiện được đáp ứng thì đây là lần đầu tiên họ có thể tham gia vào 1 thể chế mà Mỹ từng bày tỏ nhiều nghi ngại. Australia cũng phát tín hiệu gia nhập dù khẳng định chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc - tất cả đều là đồng minh lớn của Mỹ - hiện chưa tham gia vào AIIB. Mỹ - quốc gia lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc - lâu nay vẫn bày tỏ nghi ngại rằng, liệu AIIB có đủ các tiêu chuẩn về quản trị cũng như các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội hay không.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng các vị khách tại lễ ký thỏa thuận thành lập AIIB hồi tháng 10/2014 (Ảnh Reuters)

 

Tuy nhiên, sau khi Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thông báo tham gia AIIB, một số quốc gia lớn khác của EU cũng thực hiện những bước đi tương tự.

 

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, Tokyo có thể cân nhắc gia nhập ngân hàng do Trung Quốc đứng đầu nếu Bắc Kinh có thể đảm bảo về một cơ chế cho vay đáng tin cậy.

 

"Chúng tôi đang đề nghị phía Trung Quốc đảm bảo về tính bền vững của của việc vay nợ, có tính đến tác động của nó đối với môi trường và xã hội. Chúng tôi có thể cân nhắc tham gia nếu các vấn đề đó được đảm bảo. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng từ quan điểm ngoại giao và kinh tế. Nếu các điều kiện được đáp ứng, phía Nhật Bản có thể sẽ xúc tiến thảo luận, tuy nhiên đến nay Tokyo chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào", ông Taro Aso phát biểu với báo giới sau cuộc họp của nội các.

 

Có thể nói đây là một bình luận khá bất ngờ từ phía Nhật Bản. Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới - có quan hệ thương mại và kinh doanh sâu sắc, nhưng quan hệ ngoại giao lại trong tình trạng căng thẳng do hai bên tranh chấp về lãnh thổ và và tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á.

 

AIIB có thể nổi lên như một đối thủ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức tài chính khu vực có trụ sở tại Manila - nơi Nhật Bản và Mỹ cùng lãnh đạo. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, cựu chủ tịch ADB kiêm Thứ trưởng Tài chính, đã có phản ứng thận trọng khi được hỏi về việc gia nhập AIIB tại một cuộc họp báo diễn ra hôm 20/3.

 

"Hiện có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng tại châu Á. Mặt khác, trong suốt 50 năm qua, Ngân hàng Thế giới và ADB đã và đang giúp các quốc gia phát triển tại châu Á cải thiện cơ sở hạ tầng. Họ đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm", ông Kuroda phát biểu.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết, chưa có quyết định cuối cùng nào về việc Australia tham gia AIIB, nhưng vấn đề này đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

 

Ông phát biểu với báo giới rằng: "Hơn 30 quốc gia đã ký kết tham gia AIIB. AIIB sẽ hoạt động trong khu vực và quốc giáng láng giềng của chúng tôi. Đã có nhiều lời khen ngợi dành cho AIIB, tuy nhiên chúng tôi muốn đảm bảo chắc chắn có những thủ tục quản trị thích hợp".

 

Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết, hiện có nhiều lời khen ngợi dành cho ngân hàng này. Tờ Sydney Morning Herald đưa tin rằng, Camberra có thể chính thức quyết định ký kết tham gia AIIB khi nội các nước này nhóm họp vào đầu tuần tới.

 

Theo Bộ trưởng Hockey, việc tham gia AIIB sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ gần gũi giữa Canberra và Washington. Ông còn nói tới những lợi ích mà các công ty của Australia có thể được hưởng sau khi tham gia AIIB.

 

Tờ Sydney Morning Herald đưa tin, Canberra có thể đầu tư 2,3 tỷ USD vào AIIB và Ủy ban An ninh Quốc gia đã dọn dường cho kế hoạch đầu tư này.

 

Theo Reuters, hiện Australia dường như đã tiến gần đến việc tham gia, mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, và Hàn Quốc cũng trong trong tình trạng tương tự.

 

Các quan chức chính phủ Hàn Quốc bác bỏ thông tin trên báo chí rằng, Seoul đã quyết định tham gia vào việc trao đổi 5% cổ phần tại AIIB.

 

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tham gia AIIB hay không "thông qua việc bàn bạc kín với các quốc gia lớn và sau khi cân nhắc nhiều nhân tố khác nhau, chẳng hạn như những bất lợi và thuận lợi về kinh tế".

N.Minh (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo