Nhật đạt thỏa thuận cho phép tham chiến ở nước ngoài
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, hôm nay (1/7), các chính đảng trong liên minh cầm quyền ở nước này đã nhất trí về một sửa đổi lớn trong chính sách an ninh thời hậu chiến của nước này.
Cụ thể, hai đảng Dân chủ Tự do và New Komeito đã đi đến thỏa thuận chính thức về quyền phòng vệ tập thể. Thỏa thuận này mở đường cho Chính phủ Nhật Bản thông qua nghị quyết giải thích lại bản hiến pháp hòa bình, cho phép nước này sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Đây được coi là một bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản.
Quyền phòng vệ tập thể là một trong những chương trình nghị sự theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mà thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản, ông Shinzo Abe, theo đuổi.
Thỏa thuận trên đạt được sau khi hai đảng trên trong liên minh cầm quyền tiến hành nhiều cuộc đàm phán về cách thức loại bỏ rào cản pháp lý mà bản hiến pháp hòa bình áp đặt đối với lực lượng phòng vệ. Trong cuộc thảo luận sáng 1/7, New Komeito sau cùng cũng đồng ý với dự thảo nghị quyết cuối cùng của chính phủ về quyền phòng vệ tập thể.
Theo dự thảo do chính phủ chuẩn bị, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu "sự tồn tại của nước này bị đe dọa và xuất hiện các nguy cơ rõ ràng đe dọa tới quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân". Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một nước bạn bè trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công.
Điều này có nghĩa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể để tham chiến ở nước ngoài, điều vốn bị nghiêm cấm theo cách giải thích từ trước đến nay đối với điều 9 của Hiến pháp hòa bình.
Giới phân tích thời sự quốc tế cho rằng, việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình cho phép quyền phòng vệ tập thể của quân đội Nhật Bản là bước ngoặt lớn trong chính sách an ninh của Tokyo phản ánh các mối lo ngại trước những thay đổi cơ bản trong môi trường an ninh quanh nước này, trong đó có sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước láng giềng Trung Quốc.
Dự kiến, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thông qua thay đổi trên trong cuộc họp chiều nay, bất chấp những chỉ trích từ dư luận trong nước và ngay cả trong nội bộ liên minh cầm quyền. Ông Abe sẽ tiến hành một cuộc họp báo sau đó, nhằm giải thích về quan điểm của mình liên quan tới vấn đề gây tranh cãi này.
Tuy nhiên, việc ông Abe có thuyết phục được người dân Nhật Bản hay không vẫn là một vấn đề lớn. Theo hãng tin Reuters, hôm nay, hàng nghìn người dân đã tập trung ở thủ đô Tokyo để lên án việc thay đổi chính sách an ninh quan trọng này. Những người tham gia biểu tình đã tập trung trước văn phòng của Thủ tướng Abe ngay trước cuộc họp nội các.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 30/6, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã nói rằng, "Nhật Bản có... mọi quyền nhằm trang bị cho mình theo cách mà họ cho là cần thiết. Chúng tôi khuyến khích họ thực hiện điều đó một cách minh bạch, và chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc chặt chẽ với họ về những vấn đề quan trọng này".
Theo giới phân tích, động thái trên nhiều khả năng sẽ chọc giận Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước vốn đã trở nên lạnh nhạt vì tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo