Tin tức - Sự kiện

Nhật mở đường viện trợ quân sự bằng ODA

Đông Nam Á có thể sẽ là khu vực đầu tiên nhận vốn hỗ trợ phát triển chính thức từ Nhật Bản cho các hoạt động quân sự phi tác chiến.

 Thủ tướng Abe từng tuyên bố sẽ ủng hộ tối đa các nước ASEAN trong nỗ lực giữ an ninh vùng biển và vùng trời - Ảnh: AFP

 

Dự kiến ngay trong tuần này, chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ thông qua hiến chương mới về việc cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho nước ngoài, tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn tin cấp cao cho biết.

 

Nhật bắt đầu cung cấp ODA cho các nước đang phát triển cách đây khoảng 60 năm và chưa bao giờ viện trợ cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, hiến chương mới sẽ dỡ bỏ lệnh cấm trên với điều kiện ODA chỉ được dùng cho các hoạt động phi tác chiến như cứu trợ thiên tai và phát triển cơ sở hạ tầng.

 

Nhắm đến Đông Nam Á

 

Theo tiết lộ của một số quan chức, trong quá trình soạn thảo hiến chương ODA mới, chính phủ Nhật đã xem xét kỹ lưỡng đến yếu tố Trung Quốc. Nước này đang có tranh chấp chủ quyền quyết liệt với Nhật và một số nước khác trong khu vực đồng thời đang tăng cường hỗ trợ tài chính và đầu tư vào Đông Nam Á để nâng tầm ảnh hưởng.

 

Asahi Shimbun chỉ ra ODA của Nhật đạt khoảng 4,7 tỉ USD trong tài khóa 2013 - 2014, giảm hơn phân nửa so với tài khóa 1997 - 1998, trong khi vốn hỗ trợ tương tự của Trung Quốc đạt trung bình mỗi năm hơn 4,8 tỉ USD trong giai đoạn 2010 - 2012. Vì thế, ASEAN sẽ là một trong những mục tiêu được chú trọng nhất trong chính sách ODA mới của Nhật và đây có thể là khu vực đầu tiên nhận ODA cho các hoạt động quân sự.

 

Mặt khác, theo Asahi Shimbun, trước khi có hiến chương ODA mới thì Nhật Bản đã âm thầm hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho một số nước. Sự hợp tác giữa lực lượng tuần duyên nước này với các quốc gia Đông Nam Á cũng đang phát triển mạnh mẽ, giúp các đối tác trong khu vực tiếp cận những thiết bị và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tuần tra và bảo vệ bờ biển.

 

Giới quan sát nhận định những diễn biến trên phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng Abe tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm ngoái rằng Nhật ủng hộ tối đa các nước ASEAN trong nỗ lực giữ an ninh vùng biển và vùng trời, bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển và trên không.

 

Mũi tên thứ 3

 

Một thay đổi mang tính bước ngoặt khác trong hiến chương ODA mới là lần đầu tiên văn kiện này trực tiếp gắn việc hỗ trợ các đối tác với lợi ích quốc gia của Nhật, theo Asahi Shimbun. Cụ thể, hiến chương nhấn mạnh ODA góp phần bảo vệ các lợi ích quốc gia như duy trì hòa bình, an ninh và sự phồn thịnh của Nhật.

 

“ODA là một trong những phương tiện quan trọng nhất cho các chính sách ngoại giao”, dự thảo hiến chương viết. Từ đó, Tokyo có thể xem xét nối lại chương trình ODA cho những đối tác đã được đưa khỏi danh sách viện trợ nếu điều này hỗ trợ duy trì các lợi ích quốc gia và cần thiết đối với chiến lược ngoại giao của Nhật.

 

Asahi Shimbun dẫn lời một quan chức ngoại giao Nhật nhận định hiến chương ODA mới được xem là “mũi tên thứ 3” trong chính sách an ninh và ngoại giao của chính quyền Thủ tướng Abe theo sau việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quân sự tồn tại gần 50 năm và quyết định cho phép Lực lượng phòng vệ (SDF) thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

 

Theo Bloomberg, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu quân sự, Nhật đang nhắm đến hợp tác trong lĩnh vực này với các nước ASEAN. Bên cạnh đó, trong tháng 1, quốc hội Nhật sẽ bắt đầu thảo luận về dự luật cho phép SDF mở rộng quyền phòng vệ tập thể và hỗ trợ các nước đồng minh, đối tác ngoài Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột quốc tế.

 

Theo Asahi Shimbun, một số quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao Nhật đã đề cập khả năng mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với cả những quốc gia như Philippines, Malaysia, Indonesia và VN.

 

 Nhật tăng cường giám sát tàu Trung Quốc

 

Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) vừa thông báo kế hoạch tăng cường mức độ tuần tra trên không thêm 20% từ tài khóa 2015 - 2016, bắt đầu tháng 4 năm nay, nhằm theo dõi tốt hơn các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Tokyo tuyên bố chủ quyền gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

 

 

Tàu tuần duyên Nhật (trước) so kè với tàu công vụ Trung Quốc gần Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters

 

 

Theo tờ Yomiuri Shimbun, lượt tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư tăng đáng kể, từ 39 vụ năm 2012 lên 208 vụ năm 2014, còn tàu công vụ Trung Quốc “xâm nhập lãnh hải” Nhật khoảng 3 lần/tháng. Bên cạnh đó, kế hoạch mới của JCG còn nhằm ngăn chặn tàu cá Trung Quốc khai thác san hô trái phép ở vùng biển xung quanh quần đảo Ogasawara của Nhật. Trong năm ngoái có thời điểm JCG phát hiện hơn 200 tàu nghi của Trung Quốc trong khu vực này.

 

 

Cách đây khoảng 2 tháng, quốc hội Nhật đã thông qua việc tăng mức phạt tối đa đối với tàu nước ngoài đánh bắt trái phép trong lãnh hải nước này lên 30 triệu yen (hơn 5,4 tỉ đồng) từ mức 4 triệu yên (hơn 720 triệu đồng), theo Đài NHK.

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo