Tin tức - Sự kiện

Nhậu say có người đưa về?

Sau khi xỉn “quắc cần câu”, bước ra khỏi quán, sẽ có người tới thuyết phục bạn để đưa về nhà. Xe của bạn sẽ được trông coi tại quán, hôm sau tỉnh táo quay lại lấy.

Dịch vụ này là ý tưởng nằm trong kế hoạch phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) và Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát nhằm hạn chế tình huống xấu do người uống rượu bia lái xe gây ra trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

Nhiều nước áp dụng
 
Theo UBATGTQG, đây mới là đề xuất. Những ngày tới, các đơn vị liên quan sẽ bàn cụ thể cũng như đánh giá về sự khả thi của dịch vụ này.
 
Dự kiến các quán ăn uống an toàn, nhận giữ xe qua đêm và đưa khách say xỉn về tận nhà sẽ có ở Hà Nội, Ðà Nẵng và TP.HCM ngay trong tháng 1 tới đây.
 
Theo kế hoạch, UBATGTQG sẽ cùng Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát vận động một số nhà hàng lớn, đông khách cam kết khi khách uống tới say rồi thì sẽ không bán bia, rượu nữa hoặc sẽ hỗ trợ khách bằng cách để họ gửi lại phương tiện rồi bố trí nhân viên đưa về tận nhà.
 
Việc đưa khách say xỉn về nhà có thể thực hiện bằng taxi hoặc xe của nhà hàng. Các nhà hàng được chọn sẽ được tập huấn và hỗ trợ cụ thể.
 
Ðây là dịch vụ mới ở VN, trong khi tại các nước trên thế giới thì dịch vụ đưa khách say về nhà nở rộ từ mấy năm trước.
 
Ở Trung Quốc, từ năm 2011 luật giao thông nước này quy định lái xe sau khi uống rượu bia có thể ghép vào tội hình sự, bị truy cứu trước pháp luật và có thể bị phạt tù.
 
Kể từ đó, dịch vụ đưa người say về tận nhà nở rộ và trở thành nghề ăn nên làm ra, có ở nhiều TP lớn. Có những công ty chuyên làm dịch vụ với hàng ngàn nhân viên, hoạt động đến 4g sáng hôm sau.
 
Ðây là dịch vụ được ghi nhận là khá tốt trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
 
Tại Hàn Quốc, có quy định người dưới 18 tuổi không được phép uống rượu bia. Với trường hợp người đã uống rượu, phải thuê dịch vụ có người chở về nhà, nếu không lái xe và cảnh sát bắt được sẽ bị phạt tiền và tước bằng lái.
 
Ý tưởng là hay nhưng khi nghe về dịch vụ này, một người tự nhận là “chuyên gia nhậu, đã nhậu là phải xỉn” cười cười: “Trên bàn nhậu, tụi tui so kè từng chai bia, ly rượu và chẳng ai nhận mình thua kém “chiến hữu”. Nếu đang uống mà quản lý, nhân viên quán tự nhiên vô nói anh say rồi, coi chừng khách một đi không trở lại, thậm chí là cho... ăn đòn!”.
 
 Nhóm bạn vất vả đưa người say về nhà (ảnh chụp trên đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

“Ta đâu có say...”
 
0g15 ngày 7-12, dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5, TP.HCM), trời lạnh và lất phất mưa. Một nam thanh niên say xỉn nằm bệt bên vệ đường, bất động.
 
Bốn người bạn gồm hai trai, hai gái xúm xít vây quanh nhưng không tài nào đỡ dậy được. Người say cứ mềm oặt ra, đổ ập lên người một bạn gái làm cô này ngã sấp xuống đường, mặt mũi, áo quần nhoe nhoét bùn đất ở góc đường.
 
Cố gắng mãi, cả nhóm mới dìu người say lên được chiếc xe tay ga, nhưng anh ta lại nhũn ra, lăn phịch xuống, cả người cả xe đè lên một cô bạn gái khác.
 
Tiếng kêu la hoảng loạn làm náo động cả một vùng. Một người trong nhóm cho biết họ vừa ra khỏi một quán nhậu cách đó chỉ chừng một cây số.
 
Trước đó ít phút, trên đường Phạm Văn Ðồng, quận Bình Thạnh, tất cả khách và nhân viên một quán nhậu bình dân đứng nhìn một cảnh quen thuộc: cô gái say bia, đang nôn thốc nôn tháo cạnh gốc cây.
 
Chiếc áo bị tốc ngược lên. Hai chàng trai xốc cô gái lên xe, lao đi trong sự giãy giụa yếu ớt và những tiếng lảm nhảm của cô gái này.
 
Tự nhận mình là một người hay nhậu, anh Hoàng Yên Giáp (34 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng khi “tới” rồi, nếu có người đưa về nhà thì còn gì bằng, ai cũng yên tâm, nhất là các bà vợ.
 
Anh nói: “Mỗi tháng có chừng 3-4 lần tui tỉnh dậy mà không nhớ vì sao mình về được tới nhà. Có một lần, tỉnh dậy thấy ngực hơi đau, mình mẩy sây sát, tui sờ sờ biết là có chuyện không hay liền vô bệnh viện. Chả hiểu mình té lúc nào mà bị gãy một xương sườn. Bạn tui nói thấy tui xỉn quá trời nhưng không chịu để ai đưa về, còn nổi khùng lên nữa. Tui biết quá mà, chừng nào còn tự biết mình say nghĩa là chưa say lắm. Còn khi say thiệt rồi thì chả ai nhận mình say cả”.
 
Trong thực tế, việc xác định một người có say xỉn đến mức không thể tự lái xe thì phải dựa trên kết quả kiểm tra bằng máy chứ không thể bằng cảm quan thông thường.
 
Trung tá Ðỗ Chí Hà, đội trưởng đội cảnh sát giao thông Q.8 (TP.HCM), cho biết rất nhiều trường hợp người lái xe sau khi uống rượu bia cự cãi với cảnh sát giao thông rất dữ, thậm chí chống đối không cho đo nồng độ cồn.
 
Họ thường không nhận là mình say. Kết quả kiểm tra bằng máy sẽ cho biết chính xác mức độ say xỉn, từ đó làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính.
 
Những trường hợp chạy xe gây tai nạn, người lái xe còn được đo thêm nồng độ cồn trong máu để phục vụ công tác điều tra. Do vậy, để biết được một người say hay không thật sự tại quán nhậu là không đơn giản.
 
Bị đánh vì đưa về
 
“Người thân, bạn bè đưa về còn khó như vậy, người ngoài đưa về không được đâu. Tui dính một lần là tởn tới già luôn” - anh Bùi Văn Quân, tài xế taxi, vừa nói vừa chỉ vết thương trên tay mới khâu bốn mũi.
 
Chuyện là mới cách đây một tuần, anh Quân đậu xe gần một quán nhậu bên sông ở quận Thủ Ðức, rồi nhận chở một ông khách say về nhà.
 
Anh Quân kể: “Ổng lên xe, nói nhà ở khúc Cá Sấu Hoa Cà rồi gục luôn. Hỏi lại, ổng chỉ thều thào “con gà rơi xuống giếng rồi”. Thả ổng xuống thì không được, chạy lòng vòng hết hơn chục cây số rồi mà ổng không nhận ra được nhà mình. Cuối cùng, tui đành chở ổng ghé một tiệm matxa xông hơi cho tỉnh táo. Ai dè vừa quay đi, tui thấy hai bảo vệ của tiệm rượt theo ông này. Ông khách ngật ngưỡng quơ quào, tui sợ có chuyện liền vô ngăn lại. Ổng thấy tui lại gần, vơ một que sắt dưới đường quật một cái. Tui phải khâu bốn mũi ở tay, còn phải chở ổng vô bệnh viện nữa, bởi sau khi “uýnh” tui thì ổng tự té giập mũi, máu me tùm lum”.
 
Những ông khách say nhiều lúc cũng là nỗi kinh hoàng cho chính các quán nhậu. Bà Nguyễn Ngọc Phương, quản lý quán Dũng Mập (đường Trường Chinh, Q.Tân Bình), cho biết có nghe nói việc UBATGTQG đề xuất các nhà hàng, quán nhậu mở thêm dịch vụ đưa khách nhậu say xỉn về nhà an toàn.
 
Tuy nhiên, bà Phương nói: “Làm như vậy sẽ mất khách chứ chẳng chơi... Nói chung, khi khách say thì chẳng bao giờ họ nhận là mình say. Nếu cứ nằng nặc nói họ say mà phải đi taxi, gửi xe máy lại... sẽ làm họ nổi nóng rồi xảy ra cãi vã, ẩu đả... với nhân viên của quán. Hiện nay quán của chúng tôi vẫn chưa tính tới việc đưa người say xỉn về nhà”.
 
Ngoài những lý do kể trên, nhiều người kinh doanh nhà hàng, quán nhậu cũng băn khoăn với dịch vụ đưa khách say về nhà: gọi là dịch vụ thì người sử dụng phải tự nguyện.
 
Thông thường, chả ai nhận là mình say đến mức phải nhờ người đưa về. “Nịnh” cho họ lên xe được rồi, ai sẽ trả tiền taxi, xe ôm? Khách để xe lại, quán phải thuê người coi giữ? Ðó là chưa kể việc mất mát tiền bạc, đồ của khách, chẳng biết rơi rớt ở đâu hôm sau quay lại “bắt đền”...
 
Chỉ có người say gục tại chỗ mới để nhân viên quán “muốn làm gì thì làm”, nhưng lúc đó lại phải lo việc tìm địa chỉ họ ở đâu, không lẽ trước khi khách nhậu lại đến hỏi trước địa chỉ nhà hay người thân, số điện thoại.
 
Phải “tương kế tựu kế”
 
Ðể dịch vụ này thật sự khả thi, vai trò chủ động của các điểm kinh doanh bia rượu là rất quan trọng. Bà Phương cho biết nếu có quy định buộc các quán phải có dịch vụ đưa khách say xỉn về nhà, bà sẽ mời một số người chạy xe ôm tin tưởng được, đậu xe ở trước quán tầm từ 21g-23g.
 
Họ sẽ là người chủ động mời khi thấy khách nào loạng choạng từ trong quán bước ra. Ban đêm, quán có nhân viên bảo vệ ở lại nên việc giữ xe cho khách qua đêm cũng sẽ không tính thêm phí.
 
Còn ông Nguyễn Minh Quân, chủ quán lẩu dê Tư Quân trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), hiến kế: “Thỉnh thoảng khi thấy khách ruột của quán đã gần “tới bến”, tui cho nhân viên mời họ một đĩa trái cây, dù họ chưa kêu quán tính tiền. Việc này tui thấy nhiều quán đã làm. Làm như vậy quán chỉ mất doanh thu nhỏ từ tiền bán một vài chai bia. Nhưng lúc này những người đã say, “tê tê”... sẽ có lý do để yêu cầu cả bàn ngưng nhậu, vì quán có ý đồ tiễn khách”.
 
Ủng hộ dịch vụ này, ông Quang Hạnh - quản lý nhà hàng Sao Biển (đường Bác Ái, Q.Thủ Ðức) - nói sẽ tính toán việc áp dụng dịch vụ này và chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi có đề xuất đưa người say xỉn về nhà an toàn, quán của chúng tôi từng nhận giữ xe cho khách say xỉn gửi lại qua đêm mà không tính tiền. Thấy người khách nào đã “thấm”, tôi khéo nói với họ nên gọi taxi về nhà cho an toàn. Nhiều khách đồng ý mà còn cảm ơn quán vì gọi taxi hộ. Tôi nghĩ đừng nói với khách là họ xỉn mà hãy nói về việc “an toàn”. Chẳng hạn, dạo này xe cộ chạy bát nháo, rất nguy hiểm... để thăm dò ý khách thế nào rồi mới đề nghị gọi taxi đưa họ về...”.
 
Một nhà xã hội học nghiên cứu về lối sống đô thị nhìn nhận việc đưa người say về chỉ là cái ngọn của “vấn nạn” lạm dụng rượu bia đang tràn lan tại các đô thị hiện nay.
 
Chừng nào chưa dẹp bớt được thói quen nhậu nhẹt thì vẫn còn những người say bí tỉ gục giữa đường đêm khuya, tự tông xe vào cột đèn, hại mình, hại người...
 
Rục rịch “đón gió”
 
Bên cạnh một số quán còn khá băn khoăn với dịch vụ này, nhiều quán nhậu cũng rục rịch “đón gió”, chào sân mô hình mới.
 
Ông Lê Tú Thành - chủ quán nhậu HP trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp - hồ hởi cho biết ông đã bàn bạc liên kết với các tài xế taxi đậu gần nhà để khi có khách say là sẽ “a lô” ngay lập tức. Đồng thời, chiếc xe hơi bốn chỗ của ông có tài xế là nhân viên của quán cũng sẵn sàng lên đường trong đêm khuya đưa khách về với... “mái ấm gia đình”.
 
Ngoài ra, chục nhân viên quán của ông đều được “tập huấn, dặn dò” sẽ làm tài xế xe ôm an toàn đưa khách... “về đến chốn”. “Tui nghĩ có thêm dịch vụ này với giá cả phải chăng, nhiều quán sẽ đắt khách vì các ông đi nhậu sẽ cảm thấy an toàn khi về vì xe gửi lại tại quán qua đêm được, lại có người đưa về. Các bà vợ ở nhà cũng sẽ ủng hộ dịch vụ này. Tất nhiên, thời gian đầu có thể sẽ có người còn ngần ngại, e dè nhưng lâu dài tui tin sẽ ủng hộ... Tui đi qua Hàn Quốc thấy dịch vụ này rất phát triển” - ông Thành nói.
 
Một số quán bia trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình cũng đang sẵn sàng chào sân dịch vụ rất mới mẻ này ở VN. Ông L.T.H., chủ quán nhậu Hai Hoàng, cho biết: “Lực lượng nhân viên của quán tui sẵn sàng cho việc dìu người say, đưa người say về đến nhà an toàn. Còn gửi xe qua đêm thì không tính thêm phí”.
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo