Thị trường

Nhiều bất cập trong chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Nghị định 41/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT), góp phần tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng cho cả người đi vay và ngân hàng. Qua 3 năm triển khai, Nghị định 41 bắt đầu bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tế.

Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tần - Trưởng phòng Tín dụng nông nghiệp, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Văn Tần PV: Nghị định 41 qua 3 năm triển khai được đánh giá là bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tế? Theo ông, những hạn chế đó là gì?

Ông Trần Văn Tần: Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41, đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và tích cực, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các tỉnh, thành phố.

Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 18%, nếu tính cả cho vay các chương trình tín dụng chính sách thì tỷ trọng này chiếm khoảng 22%, tương đương với đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP của cả nước. Đến cuối tháng 9/2013 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đã đạt gần 647.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2009, là năm trước khi có Nghị định 41.

Tuy nhiên, đến nay quy định của Nghị định 41 đã bộ lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tế, cụ thể như: Tốc độ đô thị hóa ở các vùng nông thôn diễn ra khá nhanh, nhiều vùng nông thôn trước đây đã đô thị hóa thành thị trấn, phường thuộc thành phố, thị xã… Người dân nơi đây vẫn hoạt động sản xuất nông nghiệp và thu nhập chính cũng từ sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên lại không được hưởng chính sách theo Nghị định 41.

Nghị định 41 quy định cho vay tín chấp đối với các đối tượng là hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã ở 3 mức: 50 triệu, 200 triệu và 500 triệu. Các mức này đã được áp dụng từ năm 2010, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh những năm trước đây. Tuy nhiên, xu hướng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là mở rộng quy mô và tính liên kết nên cần xem xét mở rộng mức cho vay.

Và một điều nữa là trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện các nhân tố mới như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Luật hợp tác xã năm 2012 ra đời, xuất hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết trong sản xuất nông nghiệp… đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay là mở rộng quy mô và tăng cường tính liên kết trong sản xuất.

PV: Điều 14, Nghị định quy rõ về bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thời gian qua chưa phát huy được hiệu quả, chính sách của NHNN cũng khá hạn chế. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Trần Văn Tần: Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trong nông nghiệp nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng để phòng ngừa rủi ro cho cả người sản xuất và ngân hàng cho vay. Trong những năm qua, thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân thì bảo hiểm nông nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng. Nghị định 41 và Thông tư 14 của NHNN quy định việc áp dụng lãi suất, điều kiện ưu đãi đối với các khách hàng có mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, bảo hiểm trong nông nghiệp là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, vì vậy Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì để thí điểm triển khai chính sách này và sau khi tổng kết thí điểm thì sẽ xem xét để có thể nhân rộng và điều đó sẽ làm cho người nông dân bớt rủi ro và ngân hàng yên tâm hơn trong đầu tư vốn cho nông nghiệp.

PV: Theo ông, liệu có nên có một cơ chế riêng đối với tín dụng cho tam nông?

Ông Trần Văn Tần: Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ chính là chính sách tín dụng đặc thù cho tam nông, tín dụng hướng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc cho vay tín chấp thông qua các đoàn thể thực tế đã được triển khai thực hiện theo Nghị định 41 thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn ở các thôn, bản; với sự tham gia của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ trung ương đến địa phương.

Ngoài việc mang vốn đến tay người nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội này còn giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng đồng vốn có hiệu quả hơn. Chính sách bảo hiểm đối với cây trồng vật nuôi chính là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả nhất, giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững và các ngân hàng cũng yên tâm đầu tư hơn.

Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm nông nghiệp của các nước thì nền nông nghiệp được dựa trên sản xuất nhỏ, thiếu liên kết như hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, kém hiệu quả, tín dụng phục vụ cho nền nông nghiệp cũng kém hiệu quả.

Vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chính sách tín dụng cũng điều chỉnh phục vụ mục tiêu đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo