Nhiều doanh nghiệp sẽ lên sàn nửa cuối năm
Dù số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trong những tháng đầu năm đạt khá thấp, nhưng các Sở giao dịch vẫn kỳ vọng DNNY mới trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh.
Bà Trần Thị Anh Đào, Phó giám đốc Sở GDCK TP. HCM cho biết, theo chu kỳ, thời gian DN nộp hồ sơ niêm yết mới nhiều nhất thường rơi vào cuối quý II, đầu quý III, sau thời điểm tổ chức ĐHCĐ và đã có báo cáo kiểm toán đầy đủ. Một số DN sẽ lên niêm yết tại HOSE ngay trong trong quý III và dự kiến có thể niêm yết ngay vào tháng 7 như CTCP Thế giới di động (MWI Corp ), CTCK Thiên Việt… Theo đó, MWI Corp sẽ niêm yết 62.723.171 cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 627,23 tỷ đồng. MWI Corp vừa thực hiện chia cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 116 tỷ đồng lên 627 tỷ đồng và Công ty dự kiến tiếp tục chia thưởng và tạm ứng cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 976 tỷ đồng.
Nói về kế hoạch niêm yết mới trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo HOSE cho biết, sẽ rất khó để “lượng hóa” số lượng DNNY bởi nhiều yếu tố như ý chỉ chủ quan của DN, diễn biến thị trường, tiêu chuẩn niêm yết mới…, tuy nhiên HOSE kỳ vọng số lượng DNNY mới trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng nhiều hơn so với đầu năm. Cụ thể, HOSE vừa chấp thuận cho CTCP Thủy điện Miền Nam và dự kiến Công ty này sẽ chào sàn vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2014. CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAFCO) cũng đặt kế hoạch sẽ chính thức niêm yết trên HOSE trong 6 tháng cuối năm. Theo VAFCO, Công ty đã có kế hoạch niêm yết từ vài năm trước nhưng chưa đạt tiêu chuẩn vì cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối quá lớn. Hiện nay, cổ đông lớn đã thực hiện thoái vốn và đáp ứng được điều kiện nắm giữ dưới 80% nên Công ty quyết tâm lên sàn như lộ trình đã đặt ra. CTCP Tư vấn thương mại dich vụ Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông với mức vốn điều lệ 320 tỷ đồng đã nộp hồ sơ lên HOSE từ năm 2013 cũng có kế hoạch sẽ chính thức niêm yết ngay trong quý III/2014.
Bà Đào cho biết, để thúc đẩy các DN niêm yết, định kỳ Sở đã có những hoạt động tiếp xúc với những DN đại chúng để phổ biến, khuyến khích các DN lên sàn. Đơn cử như trong thời gian vừa qua, Sở đã có những buổi làm việc với các ngân hàng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì cần phải thúc đẩy khối ngân hàng lên niêm yết để tăng tính minh bạch.
Trong kế hoạch đưa các DN niêm yết mới trong năm 2014, HOSE vẫn duy trì mục tiêu khối lượng cổ phiếu niêm yết mới trong năm 2014 cao hơn nhiều so với năm 2013 và đạt mức tương tự so với năm 2012. Đóng góp nhiều vào khối lượng niêm yết mới của HOSE trong năm 2014 là Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID, niêm yết ngày 24/1/2014), và đây cũng là DN có vốn hóa chiếm hơn 5% tổng mức vốn hóa thị trường với 2,8 tỷ cổ phiếu. Mặc dù vậy, HOSE kỳ vọng rất lớn vào khối lượng DNNY mới trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, tại HNX, Sở đặt mục tiêu đưa thêm tối thiểu 15 DN niêm yết mới trong năm 2014. Số lượng DNNY tại HNX trong 5 tháng đầu năm không đáng kể, ngoại trừ DN lớn là CTCP Thủy điện Miền Trung - EVNCHP (CHP) đã chuyển niêm yết từ sàn UPCoM lên HNX. Với mức vốn điều lệ hiện nay là 1.200 tỷ đồng, CHP đã niêm yết 120 triệu cổ phiếu, trở thành DN thủy điện thứ 6 lên niêm yết và lọt vào Top những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn của HNX.
Cũng như HOSE, lãnh đạo HNX kỳ vọng số lượng DNNY mới trong 6 tháng cuối năm tại Sở sẽ tăng mạnh. CTCP C.E.O, với mức vốn điều lệ hiện tại là 343 tỷ đồng, đã nộp hồ sơ tại HNX cho biết, Công ty đang hoàn tất các thủ tục niêm yết để chào sàn trong quý III/2014. Theo C.E.O, diễn biến thị trường từ đầu năm 2014 đã khởi sắc hơn nên đây cũng là cơ hội để Công ty quyết tâm lên sàn.
CTCP Cấp thoát nước Quảng Nam, với mức vốn điều lệ 216 tỷ đồng cũng đang cố gắng để lên sàn HNX kịp trong năm 2014. Ngoài ra, HNX cũng vừa nhận hồ sơ niêm yết của CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco- MAS). MAS sẽ niêm yết hơn 3 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ gần 30,09 tỷ đồng.
Dù việc niêm yết mới đang chuyển biến tích cực, và trong công tác “tạo hàng", bản thân cơ quan quản lý đã nhiều lần đề xuất về việc cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mới thúc đẩy, đặc biệt là đưa các DN lớn đã cổ phần hóa kinh doanh hiệu quả lên niêm yết, nhưng điều này chưa đủ. Điều quan trọng là Chính phủ cần phải có những chính sách, cơ chế thúc đẩy DN lớn cổ phần hóa và niêm yết.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo