Pháp luật

Nhiều dự án giao thông nghìn tỷ sai phạm, kiến nghị đình chỉ vụ Phương Nga

Kiến nghị đình chỉ vụ hoa hậu Phương Nga, doanh nghiệp lập khống 24 hồ sơ, tham ô 6,3 tỷ đồng ngân sách, hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ ở Hà Nội sai phạm... là nội dung chú ý tuần qua.

Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ ở Hà Nội có sai phạm

Nút giao quận Long Biên do thẩm định không chính xác... dẫn tới tăng giá trị hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: Nhật Quang/vNE.

Ngày 20/7, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội, theo báo Vnexpress. 

Kết luận cho rằng các dự án trong hai lĩnh vực giao thông và môi trường ở Hà Nội bộc lộ nhiều khuyết điểm, vi phạm. Theo thanh tra, trong giai đoạn 2008-2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án theo quy định. Từ đó các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức BT nhưng chỉ một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.
Các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết nhưng UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết.
Từ thực tế trên, kết luận thanh tra điểm tên nhiều nhà đầu tư được lựa chọn "có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo như Công ty CP Tasco với dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An".
Hầu hết dự án bị chậm tiến độ và nguyên nhân được xác định do chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, vốn chủ sở hữu không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết.
Kết luận cũng nêu, “UBND TP Hà Nội không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ, lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực”.

Kiến nghị đình chỉ vụ hoa hậu Phương Nga

Hoa hậu Phương Nga tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 tháng 6/2017. Ảnh Dân trí

Ngày 18/7, luật sư Trần Thu Nam (bảo vệ quyền lợi cho ông Cao Toàn Mỹ) cho biết đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan tố tụng đề nghị khởi tố vụ án và xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người liên quan trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hoa hậu Phương Nga và người bạn Nguyễn Đức Thùy Dung, theo tin tức trên báo Dân trí. 

 

Cụ thể, trong bản kiến nghị, luật sư Trần Thu Nam đề nghị Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát tối cao, Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự đưa và nhận hối lộ giữa bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) và quản giáo trại giam.

Theo lời khai của nhân chứng "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương, mẹ Phương Nga đã đưa 50 triệu đồng để thông cung trong việc truyền thư của Thùy Dung ra vào trại giam.

Theo luật sư Nam, bản kiến nghị ông gửi còn nhắc tới việc nhân chứng Nguyễn Mai Phương khai ở tòa có một cán bộ Cục Cảnh sát hình sự (C45) tên Xuân tiếp tay cho bà Hồ Mai Phương.

Bà Nguyễn Mai Phương, nhân chứng của vụ án, đã công bố đoạn ghi âm cũng như các bằng chứng thể hiện có việc đưa và nhận hối lộ giữa những người thân của Trương Hồ Phương Nga và những người thực thi pháp luật trong vụ án.

Do đó, luật sư này đề nghị điều tra và xem xét có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ? Nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người liên quan.

 

Doanh  nghiệp lập khống 24 hồ sơ, tham ô 6,3 tỷ đồng ngân sách

Công an tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với ông Đỗ Hồng Hải (áo trắng) ngày 5/4. Ảnh: Zing news

Chiều 18/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 Công an tỉnh Khánh Hòa) cho biết đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Đoàn Phi Dũng (34 tuổi, trú huyện Diên Khánh), Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (Công ty Nam Khánh Hòa); Diệp Thị Khánh Trân (33 tuổi, trú huyện Diên Khánh), kế toán Công ty Nam Khánh Hòa và Nguyễn Văn Minh (44 tuổi, trú huyện Diên Khánh), Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Thành Khánh Quyên, theo báo Zing news.
Cả 3 người bị khởi tố về hành vi Tham ô tài sản. Lệnh khởi tố đối với Dũng và Minh đã được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn. Riêng trường hợp bà Trân, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung thêm một số vấn đề liên quan trước khi phê chuẩn.

Theo PC46, từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương bổ sung kinh phí khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại địa phương này.

Lợi dụng chủ trương trên, ông Đỗ Hồng Hải (39 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty Nam Khánh Hòa (đã bị khởi tố ngày 31/3, bắt tạm giam về hành vi Tham ô tài sản ngày 5/4) chỉ đạo cấp dưới cấu kết với Nguyễn Văn Minh, lập hồ sơ khống 24 công trình thủy lợi để rút tiền nhà nước chia nhau.

Việc xác lập, ký khống các hồ sơ công trình đều được ông Dũng thực hiện. Bà Trân bị cho đã quyết toán số tiền của 24 công trình và chuyển thẳng vào tài khoản của công ty ông Minh. Ông giám đốc này có trách nhiệm ký giả các hợp đồng thi công, rút tiền từ tài khoản và đưa lại cho ông Hải.

 

“Trên thực tế, các công trình này không hề có thật, các nghi phạm đã làm khống tất cả để chiếm đoạt tiền của nhà nước”, lãnh đạo PC46 thông tin.

Bằng các thủ đoạn trên, trong hai năm 2014 và 2015, Hải, Minh, Dũng và Trân đã thông đồng, tham ô 6,3 tỷ đồng trong tổng số 8,5 tỷ đồng nhà nước đầu tư để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn các công trình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Triệu tập đối tượng tung tin máy bay rơi ở Nội Bài 

 

Bài viết thất thiệt trên đã gây xôn xao trên MXH Facebook. Ảnh: Vnexpress

 

Sáng 22/7, một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50, Công an TP.Hà Nội) cho biết: “Một giờ sau khi xuất hiện thông tin, chúng tôi đã triệu tập đối tượng lên lấy lời khai. Đối tượng đã thừa nhận hình vi vi phạm”.

Cán bộ Phòng PC50 tiết lộ thêm, người tung lên mạng xã hội thông tin thất thiệt máy bay rời ở Nội Bài là một phụ nữ bán mỹ phẩm online, báo Dân Việt đưa tin.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh về 1 chiếc máy bay bị cho là rơi gần sân bay Nội Bài, người phụ nữ tung tin đồn: “Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này”. Ngay sau đó, bài viết được hàng nghìn người chia sẻ và bình luận, gây hoang mang dư luận.

Trong chiều 20/7, nhà chức trách đã bác bỏ thông tin trên, cho biết đây là hình ảnh về cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không được thực hiện từ trước.

Ông Nguyễn Huy Dương - Phó GĐ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đính chính đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Ông này cho rằng việc cố tình thông tin sai sự thật và bịa đặt về máy bay rơi ở sân bay Nội Bài không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn gây mất uy tín trong hoạt động khai thác và phục vụ của CHK quốc tế Nội Bài.

 

Trả hồ sơ vụ cựu Tổng giám đốc Upexim lừa đảo hơn 200 tỷ đồng

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: VietnamNet.

Sau 3 ngày xét xử, ngày 21/7, TAND TP. HCM đã quyết định trả hồ sơ, điều tra lại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả kinh tế” xảy ra tại Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp (Upexim) và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Biên Hòa (Bihimex), theo tin tức trên báo VietnamNet.

Tại phiên xét xử, bị cáo Trương Vui (58 tuổi-nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Upexim) khai rằng, số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt chưa chính xác, còn việc hợp tác với Bihimex để vay tiền không phải hợp đồng nào cũng là giả.

Còn bị cáo Tống Thị Bích Loan (59 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Biên Hòa - Bihimex, công ty thuộc sở hữu Nhà nước) thừa nhận sai phạm trong việc cho công ty của ông Vui vay tiền dẫn đến gây thất thoát 144,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà khẳng định không hề thông đồng với ông Vui như cáo buộc của VKS mà do quá tin tưởng vào ông này.

Còn hai bị cáo Châu Thị Khoa, Nguyễn Thị Mỹ Dung cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc, không biết thỏa thuận của bà Loan, ông Vui chứ không tư lợi.

 

Theo cáo trạng, Công ty Upexim thành lập năm 2002 chuyên sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu lâm sản và hàng tiểu thủ công mỹ nghệ, sản xuất hàng may mặc…do ông Trương Vui làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

Năm 2010, UBND TP. HCM có chủ trương bán chỉ định nhà mặt tiền số 4-6 Hồ Tùng Mậu (quận 1) cho Upexim nhưng do công ty đang khó khăn nên ông Vui bàn với HĐQT nhất trí để Công ty Tradeco tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh xây dự án Upex Tower.

Thế nhưng sau đó, ông Trương Vui đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối dùng căn nhà số 4-6 Hồ Tùng Mậu (quận 1) lừa đảo 222,5 tỷ đồng.

Từ đây, bà Loan và bà Khoa đã thông đồng với ông Vui lập 173 hợp đồng mua bán hàng hóa khống giữa Upexim và Bihimex với các đơn vị khác để rút tiền từ Bihimex cho Epexim vay, gây thiệt hại cho Bihimex 144,5 tỷ đồng.

Nên đọc


Hồng Hà (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo