Thị trường

Nhiều ngân hàng dành vốn rẻ cho doanh nghiệp

Các ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Á Châu (ACB), Ngoại thương (Vietcombank)… đều thông báo tung ra các gói vốn giá rẻ dành cho khách hàng doanh nghiệp (DN) với mức lãi suất cho vay cạnh tranh hơn nhiều so với trước

Chẳng hạn, tại ACB, doanh nghiệp xuất khẩu có dự án kinh doanh khả thi có thể vay vốn với lãi suất dao động trên dưới 10%; lãi suất cho vay ở BIDV là 11 -12%/năm…

 

Tương tự, TienPhong Bank cũng vừa tung ra gói 3.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 12,5-14%/năm. Hiện mức lãi suất cho vay áp dụng chung tại TienPhong Bank dao động trong khoảng 13%-15%.

 

Còn khách hàng tham gia Chương trình “90 ngày vàng dành cho khách hàng doanh nghiệp” sẽ được giảm trừ 0,5% cho khoản vay ngắn hạn; giảm trừ 0,7% với khoản vay trung, dài hạn với mục đích đầu tư sản xuất; giảm trừ 1% với khoản vay trung, dài hạn với mục đích mở rộng sản xuất.

 

TienPhong Bank áp dụng ưu đãi lãi suất không quá 100 tỷ đồng cho một đối tượng khách hàng doanh nghiệp và ưu tiên cho khách hàng mới.

 

Ông Megumu Motohisha, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính vi mô của TienPhong Bank cho biết, nhiều doanh nghiệp kêu ca rằng, không vay được vốn giá rẻ quảng cáo trên thị trường. Do vậy, chủ trương của TienPhong Bank là công khai minh bạch tất cả điều kiện vay vốn.

 

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nên sẽ không quá cứng nhắc trong xét duyệt và phát huy tối đa nghiệp vụ quản trị rủi ro. Như vậy, TienPhong Bank sẽ có cơ hội mở rộng hệ thống cơ sở khách hàng của mình”, ông Motohisha Megumu nói và cho biết, ở Nhật Bản, lãi suất huy động gần như bằng 0%/năm, lãi suất cho vay chỉ ở mức 2%/năm.

 

Trong khi đó, nhiều năm qua, Việt Nam áp dụng mức lãi suất cao nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Motohisha Megumu, lãi suất cho vay cao sẽ vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng lãi suất đang có xu hướng dần dần trở lại mức hợp lý.

 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần khác cho biết, để đánh giá hiệu quả của mỗi lần giảm lãi suất, phải nhìn vào thực tế người dân có tin tưởng gửi tiền dài hạn hay chưa, doanh nghiệp có sẵn sàng vay vốn hay không.

 

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, mặc dù hiện vẫn cần vốn, nhưng không ai đi vay bằng mọi giá, nhất là các doanh nghiệp có sức khỏe tốt. Lý do là,  vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh là câu chuyện của nhiều năm, nên doanh nghiệp phải rất căn cơ, nếu kỳ vọng lãi suất còn giảm tiếp thì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chờ.

 

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng hầu hết đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc mức nợ xấu cao tại ngân hàng và chưa có phương án kinh doanh hiệu quả. Trong khi đó, mỗi ngân hàng tự đưa ra một bộ tiêu chí tín dụng riêng. Vì thế, doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

 

Để tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ trên của TienPhong Bank, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được các điều kiện tín dụng từ nhóm AAA đến BBB theo tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng của TienPhong Bank. Do đó, khó khăn vẫn còn và DN chỉ đỡ khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay. Còn trên thực tế muốn tiếp cận vốn rẻ cũng không dễ.

 

Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) nhận xét, lãi suất vay giảm chưa hẳn đã kích thích được tín dụng. “Nguyên nhân chính là sức mua thị trường sụt giảm, đầu ra sản phẩm hạn chế, nhiều doanh nghiệp không muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, nên chưa có nhu cầu vốn, chứ không phải khó tiếp cận vốn vay.

 

Ngược lại, với những khách hàng muốn vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện tín dụng sẽ rất khó vay được vốn”, ông Long nói.

 

Theo ĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo