Nhiều ngân hàng mua lại công ty tài chính
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định thị trường tiêu dùng ở Việt Nam rất tiềm năng. Chính vì đây là “miếng bánh thơm” nên cuộc đua giành thị phần tín dụng tiêu dùng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Năm 2015 được dự đoán là năm sẽ diễn ra nhiều thương vụ thâu tóm mua bán, sáp nhập, thành lập mới công ty tài chính (CTTC) trong ngân hàng (NH).
Nhiều thương vụ mua bán CTTC
Theo các chuyên gia, lý do khiến hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ sôi động bởi trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo yêu cầu bắt buộc các NH thương mại muốn cho vay tiêu dùng phải thành lập CTTC. Lý do nữa là năm nay doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Và theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng nếu có tỉ lệ sở hữu vượt mức quy định sẽ phải xây dựng phương án xử lý, trong đó có biện pháp và kế hoạch thoái vốn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ khi thông tư có hiệu lực (1-2-2015).
Như vậy, những NH chưa thoái vốn sẽ buộc phải thoái vốn hoặc phải mua lại CTTC. Ngoài ra thông tư này còn quy định các NH chỉ được sở hữu cổ phần không quá 2% tại các tổ chức tín dụng khác và mức sở hữu không quá 5% trong khi rất nhiều NH đang sở hữu quá con số quy định này.
Chính vì từ sở hữu 10% vốn CTTC Cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC), đầu năm nay, Techcombank thông báo VCFC sẽ chuyển nhượng gần 90% cổ phiếu cho Techcombank trong quý I, nâng tỉ lệ vốn Techcombank sở hữu tại VCFC lên 99,87%. Hay như Maritime Bank sở hữu 11% vốn của Tài chính Dệt may và vào tháng 2-2015, NHNN đã chấp thuận cho NH này mua lại CTTC Cổ phần Dệt may Việt Nam.
Đầu tháng 4-2015, HDBank và Tập đoàn Tài chính Credit Saison của Nhật đã hoàn tất các thủ tục góp vốn tại HDFinance và đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính HD Saison (HD Saison Finance). Được biết HDFinance tiền thân là Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF) có 100% vốn nước ngoài với số vốn điều lệ lên đến 550 tỉ đồng. Năm 2013, HDBank đã mua lại 100% vốn của SGVF để biến nó thành công ty con và đổi tên thành HDFinance.
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc ACB cũng tiết lộ trong năm nay, ACB sẽ cân nhắc tính toán nên thành lập mới hay mua lại một CTTC nào đó.
Lãi suất có khả năng giảm
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cũng thừa nhận thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam có tiềm năng lớn, song ông cảnh báo mức độ rủi ro cho vay tiêu dùng ở Việt Nam cũng không nhỏ. Ở nước ngoài, điều kiện cho vay tiêu dùng là bắt buộc người vay phải có tài khoản ở NH, qua tài khoản ấy người cho vay dễ dàng kiểm soát được dòng tiền đi ra đi vào của khách hàng. Trong khi đó ở Việt Nam rất nhiều khách vay không có tài khoản tại NH và khi đã vay họ thường trả gốc và lãi bằng tiền mặt. “Một điểm khác biệt nữa là ở nước ngoài, người ta có xu hướng bảo vệ người cho vay hơn vì tiền cho vay ấy cũng là tiền huy động… Trong khi ở Việt Nam thì ngược lại, chúng ta có khuynh hướng thiên về bảo vệ người đi vay” - ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, trong trường hợp dự thảo của NHNN quy định cho vay tiêu dùng phải có CTTC có lẽ vì họ muốn tách sự rủi ro ra khỏi hệ thống NH. Đó cũng là điều hợp lý.
Trong cuộc đua các CTTC ấy, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH, cho rằng một khi thị trường có nhiều công ty cho vay chắc chắn lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm xuống và chất lượng phục vụ sẽ gia tăng. Lý do là vì các CTTC ở NH sẽ phải cạnh tranh với CTTC bên ngoài. Do đó người dân sẽ được hưởng lợi. Riêng với NH khi thành lập các CTTC, họ sẽ có thêm một lượng khách hàng đáng kể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'