Nhiều ngân hàng xin giảm chỉ tiêu lợi nhuận 2012
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) vừa có công văn gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh xin giảm mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2012.
Theo đó, VietinBank sẽ điều chỉnh lợi nhuận trước thuế từ 7% xuống âm 11%, tương đương với 7.500 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 19% được điều chỉnh xuống mức 3,1%. Tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu ban đầu 17% dự kiến đạt 9%.
Cùng với các chỉ tiêu quan trọng trên, tỷ lệ chia cổ tức theo kế hoạch đầu năm của ngân hàng này là 16% bằng cổ phần, nay được giảm xuống 13-15% cũng bằng cổ phần. Việc điều chỉnh sẽ tập trung vào tháng 12 này. Tính đến 30/11/2012, VietinBank đạt 7.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 94,2% chỉ tiêu mới điều chỉnh. Giá trị tổng tài sản gần 465.000 tỷ đồng, đạt gần 98% kế hoạch.
Một “ông lớn” khác trong ngành ngân hàng là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận. Hết tháng 9, Vietcombank mới hoàn thành 67% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Vietcombank hiện chưa công bố tài liệu gửi cổ đông, nhưng Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong bản tin ngày 21/11 cho biết, Vietcombank dự kiến điều chỉnh tăng trưởng tín dụng giảm từ 17% xuống còn 12%; Tăng trưởng tài sản giảm từ 18% xuống còn 15% và lợi nhuận trước thuế giảm 12% từ 6.590 tỷ đồng xuống còn 5.800 tỷ đồng.
Trước hai “ông lớn” là Vietinbank và Vietcombank, Kienlongbank đã thông qua điều chỉnh giảm 14,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, từ 620 tỷ đồng xuống 530 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từ 2% lên 3%.
Tương tự, HDBank cũng xin điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận qua việc triệu tập đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, sau khi dời ngày họp cổ đông, HDBank chưa công bố cụ thể về thời gian sẽ tổ chức cuộc họp này.
Nguyên nhân sụt giảm lãi dẫn đến việc các ngân hàng phải xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 chủ yếu là do không đẩy mạnh được cho vay. Việc giảm lãi của các ngân hàng một phần từ việc thực hiện giảm lãi suất cho vay xuống 15% như yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ ở mức thấp, dòng vốn chưua được hấp thu vào nền kinh tế.
10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chưa đến 3%, cách xa so với mục tiêu kỳ vọng (đã được điều chỉnh xuống gần một nửa) là 8%. Theo đánh giá của TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng như thế không bất ngờ, bởi nợ xấu tăng cao và hàng tồn kho lớn.
Nợ xấu tăng cao, các ngân hàng đều phải tập trung kiểm soát chất lượng tín dụng, thay vì đẩy mạnh cho vay để chạy theo lợi nhuận. Bên cạnh đó, nợ xấu đang thực sự bào mòn tài sản khi nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
“Trong 8 tháng đầu năm 2012, tín dụng tăng trưởng rất thấp vì chúng ta quá thắt chặt tín dụng và nợ xấu tăng quá nhanh. Theo tính toán, tăng trưởng tín dụng cả năm nay cao lắm cũng chỉ đạt 7-8%”, TS.Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Cũng theo đánh giá của giới chuyên gia, không chỉ ngân hàng mà hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, điều này bắt nguồn từ căn bệnh “thành tích” của doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp muốn xây dựng một kế hoạch có “màu hồng” là năm sau cao hơn năm trước để làm vui lòng cổ đông và vừa tạo áp lực cho nhân viên. Nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đã không lường hết được khó khăn năm 2012. Thậm chí, đầu năm một số doanh nghiệp còn dự báo Chính phủ sẽ có những động thái kích cầu trong năm 2012 để phát triển như các năm trước nên họ xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa theo triển vọng đó.
Do đó, từ nay đến hết năm 2012, thị trường sẽ còn đón nhận nhiều ngân hàng, doanh nghiệp xin cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm, thậm chí là báo lỗ nặng.
Đoàn Huế (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng