Nhiều nguy cơ từ dịch vụ “cầm cố vàng”
Sau ngày Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, chị P. (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đến phòng giao dịch Văn Thánh (Ngân hàng N) hỏi tư vấn giữ hộ vàng. Chị được nhân viên tại đây cho biết chi phí giữ hộ vàng, ngân hàng thu 5.500 đồng/lượng/tháng. Đồng thời, nhân viên ngân hàng cũng giới thiệu thêm với chị P. về gói sản phẩm “cầm cố vàng” của ngân hàng.
Theo đó, chị P. được tư vấn nếu chọn hình thức cầm cố vàng thì số vàng chị gửi tại ngân hàng không phải mất phí mà vẫn được hưởng các quyền lợi như giữ hộ vàng. Đơn cử, tài sản vàng vẫn được đảm bảo an toàn, người gửi có thể rút vàng bất cứ lúc nào, chỉ khác một điều là dịch vụ giữ hộ thì người gửi được giữ sổ, còn chọn dịch vụ cầm cố thì người gửi không giữ sổ, chỉ có hợp đồng ký với ngân hàng.
Việc thực hiện nghiệp vụ cầm cố vàng thực ra không mới và đã được triển khai tại ngân hàng từ lâu. Điều này cũng được quy định trong nghiệp vụ kinh doanh mà NHNN ban hành. Cụ thể, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 38/2012/TT-NHNN (Thông tư 38) quy định về trạng thái vàng của các TCTD.
Theo Thông tư 38, trạng thái vàng của các TCTD được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc, được tính trên cơ sở doanh số mua, bán vàng miếng giao ngay, bao gồm cả các cam kết mua, bán vàng miếng giao ngay ngoại bảng. Trạng thái vàng không bao gồm số dư vàng miếng phát sinh từ hoạt động mua, bán vàng để thực hiện tất toán số dư của các hoạt động đã phát sinh trước ngày 10/1/2013, bao gồm các hoạt động huy động, cho vay, chuyển đổi vàng thành tiền đồng, nhận cầm cố bằng vàng, giữ hộ vàng và sử dụng vàng vào mục đích khác.
Với quy định hiện hành, các NHTM cho biết hiện họ thiết kế quầy giao dịch vàng riêng tại các điểm giao dịch của ngân hàng. Các ngân hàng ngoài mua, bán vàng vật chất còn nhận dịch vụ gửi ngân hàng giữ hộ vàng. Có điều, dịch vụ cầm cố vàng thường ít niêm yết và chỉ được hướng dẫn khi có khách hàng có nhu cầu hỏi thăm.
Việc nhân viên ngân hàng khuyến khích người dân cầm vàng chuyển qua dịch vụ cầm cố thay vì chọn dịch vụ giữ hộ vàng phải đóng phí, theo lãnh đạo một ngân hàng để tăng tiện ích cho khách hàng trong năm mới. Thực tế, trong 38 đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng hiện nay, hoạt động quảng bá về cầm cố vàng đang diễn ra khá phổ biến. Tại điểm giao dịch trên đường Hai Bà Trưng (TP. Hồ Chí Minh), nhân viên phòng giao dịch của Ngân hàng H cũng cho biết, họ nhận cầm cố vàng với những điều kiện rất có lợi cho khách hàng.
Theo lãnh đạo một NHTMCP tại TP.Hồ Chí Minh, với việc giữ hộ hay cầm cố vàng, đây đều là hoạt động có lợi cho khách hàng khi giá biến động. Về lợi ích của việc cầm cố vàng, vị lãnh đạo trên cho rằng, người dân giữ vàng đang bị thiệt thòi so với VND và USD, do vậy, ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng.
“Việc này không nằm ngoài mục đích giữ khách hàng tốt của ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng mong muốn có mối quan hệ hợp tác với khách hàng bằng nhiều sản phẩm dịch vụ. Hơn nữa, dịch vụ cầm cố vàng là hoạt động nhằm hỗ trợ các cá nhân và hộ kinh doanh trong trường hợp cần gấp một lượng tiền mặt lớn để giải quyết các vấn đề về chi tiêu, trả nợ hoặc đầu tư kinh doanh mà chưa muốn bán vàng...”, vị lãnh đạo trên nói.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia tài chính nói rằng, cái lợi trước mắt của việc cầm cố vàng trong ngân hàng là đem lại lợi ích cho cả ngân hàng và người dân. Song, nếu dịch vụ này lại trở thành xu hướng phổ biến sẽ đem lại bất lợi cho nền kinh tế và công tác quản lý thị trường vàng sau một thời gian đã đi vào trật tự.
Theo nội dung công văn số 1889/NHNN-QLNH ngày 21/3/2013, NHNN đã yêu cầu các TCTD không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác cũng như không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại TCTD khác.
Cũng trong Công văn 1889, các TCTD cũng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. TCTD phải thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi các khoản cho vay bằng vàng hoặc chuyển đổi dư nợ sang đồng Việt Nam; không được gia hạn các khoản vay trên nhằm khẩn trương tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN (vào thời điểm 30/6/2013)….
Như vậy, vấn đề mà các cơ quan quản lý cần tìm hiểu là ngân hàng được lợi gì khi triển khai dịch vụ cầm cố vàng với hàng loạt các quy định đã có. Nếu buông lỏng kiểm soát, khi ngân hàng dùng nguồn vốn vàng cầm cố của người dân để đem thế chấp vay vốn, hay bán vàng ra thị trường thì những rủi ro trong kinh doanh vàng lại có nguy cơ quay trở lại…
Phải chăng cầm cố vàng chỉ là cách kinh doanh nhất thời của các ông chủ nhà băng?./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh