Tin tức - Sự kiện

Nhiều quy định có hiệu lực từ 1/1/2015

Từ ngày 1/1/2015, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Hôn nhân đồng giới không còn bị cấm nhưng cũng không được công nhận.

 Áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới

 
Theo Nghị định 103/2014/NĐ-CP, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng. Cụ thể vùng 1: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng); vùng 2: 2.750.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng); vùng 3: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng) và vùng 4: 2.150.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
 
Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định rõ người lao động đã qua học nghề, bao gồm: người đã được doanh nghiệp đào tạo hoặc tự học nghề và được kiểm tra, bố trí làm công việc yêu cầu phải qua đào tạo nghề; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ nghề của cơ sở nước ngoài; người có chứng chỉ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề hoặc hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề và người đã được cấp bằng nghề, trung cấp nghề… theo quy định tại Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và các quy định liên quan. Mức lương của những đối tượng nêu trên phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.
 
Tăng 8% lương và trợ cấp cho một số đối tượng
 
Từ 1/1/2015 sẽ điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống, tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng).
 
Bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới
 
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng có quy định cụ thể: “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8).
 
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam.
 
Luật mới cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tuy nhiên, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
 
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên (trước đây là 9 tuổi).
 
Không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.
 
Luật mới quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.
 
Nghỉ ốm 14 ngày/tháng không phải đóng bảo hiểm y tế
 
Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2015. Theo Nghị định này, mức đóng hàng tháng của người lao động trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bằng 4,5% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.
 
Người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
 
Người lao động bị tạm giam, tạm giữ sẽ đóng bảo hiểm y tế bằng 50% mức đóng bình thường, nếu sau khi có kết luận là không vi phạm pháp luật thì phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
 
Cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng
 
Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015 thay thế Luật Công chứng 2006. Luật mới mở rộng thêm quyền cho công chứng viên như: quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.
 
Tăng thời gian đào tạo công chứng viên lên 12 tháng; tăng thời gian hành nghề lên 5 năm đối với thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư, đồng thời phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề trong 3 tháng mới được miễn đào tạo nghề.
 
Tổ chức hành nghề công chứng có quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc hành chính nhà nước, có quyền ký hợp đồng với công chứng viên. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
 
Đáng chú ý, Luật Công chứng 2014 cho phép được phép chuyển nhượng văn phòng công chứng.
 
Phạt chủ xe chở quá tải
 
Theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2015, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng (hiện tại cao nhất là 7 triệu). Đồng thời, phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm. Người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.
 
Đáng chú ý, chủ xe ô tô để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 32-36 triệu đồng đối với tổ chức, 16-18 triệu đồng đối với cá nhân (trước đây không có quy định này).
 
Trường hợp tái phạm đối với cùng một phương tiện mà phương tiện đó có thùng xe không đúng theo quy định hiện hành còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện trong thời hạn 1 tháng. Đồng thời, phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.
 
Bên cạnh các Luật, Nghị định, Quyết định nói trên, từ ngày 1/1/2015, còn một số Luật sửa đổi, bổ sung, một số Nghị định, Quyết định khác cũng có hiệu lực thi hành, như Luật sửa đổi các luật về thuế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan, Luật Đầu tư công, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật xây dựng, Luật Phá sản..
 
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo