Tin tức - Sự kiện

Nhiều thắc mắc việc thí điểm dùng internet để lấy hóa đơn tiền điện

Sau khi Tổng công ty điện lực thành phố Hà Nội (EVN HaNoi) thông báo triển khai thí điểm việc chuyển đổi hóa đơn tiền điện dạng giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, nhiều ý kiến bạn đọc băn khoăn về cách thức thanh toán, sự tiện dụng và tính an toàn của hình thức này.

Bản hướng dẫn truy cập internet để lấy hóa đơn tiền điện của EVN HaNoi gồm 6 bước, đòi hỏi khách hàng phải có trình độ CNTT nhất định.

Nhiều băn khoăn

Qua tìm hiểu của PV báo Lao Động tại 2 quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy, nhiều phản ánh của khách hàng thể hiện sự đồng tình, tuy nhiên có không ít những thắc mắc cần xem xét. Cụ thể: Tại sao lại chỉ áp dụng thí điểm tại 2 quận có trình độ dân trí cao, hệ thống hạ tầng CNTT tốt như Hoàn Kiếm và Cầu Giấy? Trong khi đó Hà Nội còn nhiều huyện ngoại thành với tỉ lệ dân trí còn thấp, tỉ lệ phủ internet chưa nhiều?

Chị Nguyễn Thị Nguyên Hương (ngõ 155 Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trên địa bàn nội thành Hà Nội, người dân đã sử dụng công nghệ thông tin như internet khá nhiều. Tuy nhiên, một số người dân lao động, người dân ở ngoại thành chưa am hiểu và sử dụng internet trong khi việc chuyển đổi hóa đơn tiền điện bắt buộc phải sử dụng mới thanh toán được. Điều này khi áp dụng sẽ là một trong những khó khăn lớn cho khách hàng nói riêng và cho Tổng công ty điện lực nói chung.”

“Tất nhiên, hiện nay việc chuyển đổi hóa đơn tiền điện dạng giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử đang thí điểm ở hai quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy. Xét về mặt bằng chung thì phần lớn các hộ dân ở đây sẽ đồng tình và chắc chắn rằng việc thí điểm sẽ thành công. EVN HaNoi liệu có áp dụng đồng loạt tại 29 quận, huyện của thành phố?” - Chị Hương băn khoăn.

Với 1 tờ biên nhận thanh toán nhỏ trao cho khách hàng, không có con dấu, liệu có bị kẻ gian làm giả? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đã lo lắng. Việc áp dụng này liệu có phù hợp với Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trong đó quy định “Tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”?). Đồng thời, nhiều khách hàng lớn tuổi, hưu trí cũng băn khoăn về tờ biên nhận thanh toán quá nhỏ, trong khi không biết cách truy cập internet.

Xu thế chung

Để rộng đường dư luận, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thắng - trưởng ban kinh doanh EVN HaNoi. Ông Thắng cho biết, hiện nay chủ trương điện tử hóa đơn là xu hướng chung của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Điều này đã được Chính phủ khuyến khích, nhiều ngành đã dần áp dụng. Với EVN HaNoi có khoảng 2 triệu khách hàng. Đợt thí điểm này được triển khai tại 2 quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy với khoảng 130 khách hàng. “Nếu việc triển khai thành công sẽ giúp EVN HaNoi giảm được nhiều chi phí liên quan” - ông Thắng nói.

Bà Hoàng Anh, Phó Chánh văn phòng EVN HaNoi cho biết, việc triển khai thí điểm đã được EVN HaNoi thông báo trước đó nhiều tháng tới khu vực Hoàn Kiếm và Cầu Giấy. Ngoài ra, khách hàng có nhiều sự lựa chọn để nộp tiền như: Nộp tại nhà cho nhân viên thu tiền, nộp tại EVN phụ trách khu vực đó hoặc chuyển khoản…

Đang thí điểm

Về việc thí điểm tại 2 quận có dân trí cao và hạ tầng internet tốt, bà Hoàng Anh cho rằng việc áp dụng ở các huyện ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù mức độ phủ internet nhiều nơi cũng đã có nhiều.

Việc việc áp dụng đồng loạt, bà Hoàng Anh cho rằng chưa có kết quả cụ thể của đợt thí điểm thì chưa thể nói trước được bao giờ thực hiện đồng loạt. Ông Nguyễn Xuân Thắng bổ sung, lộ trình thí điểm kéo dài tới hết năm 2013, “sau đó chúng tôi sẽ đúc rút lại kết quả mới tính áp dụng ra sao”.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân cho rằng nếu việc thí điểm kéo dài tới hết năm 2013 nhưng vẫn không được sự đồng tình của một số huyện ngoại thành (bởi lẽ họ chưa đủ những cơ sở vật chất để áp dụng việc này, hơn nữa họ cho rằng có nhiều rườm rà...) thì liệu câu hỏi đặt ra việc thí điểm sẽ đến bao giờ mới dừng lại?

Giải thích quy trình thu tiền, bà Hoàng Anh cho biết nhân viên thu tiền của EVN HaNoi có đeo thẻ, cầm máy bấm tới từng nhà và in trước mặt khách hàng tờ biên nhận thanh toán. Chính vì vậy, việc làm giả sẽ khó xảy ra.

Về việc tuân theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, theo đó “Tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”. Bà Hoàng Anh nhấn mạnh, EVN HaNoi mới đang thí điểm tại 2 quận, chưa áp dụng mang tính bắt buộc khách hàng, lộ trình thí điểm có thể kéo dài tới hết năm 2013.

Khách hàng thay vì nhận hóa đơn truyền thống (phải) sẽ nhận biên nhận thanh toán mới (trái).

Chia sẻ về khó khăn của khách hàng lớn tuổi, hưu trí không có điều kiện truy cập internet để xem hóa đơn, bà Hoàng Anh thừa nhận thực tế khó khăn này. “Ngoài việc khách hàng có thể nhờ người nhà để xem hộ, chúng tôi rất mong khách hàng thông cảm, tạo điều kiện để thực hiện được chủ trương chung của ngành” - bà Hoàng Anh cho biết.

 

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo