Nhiều thay đổi về thu phí giao thông
Từ ngày 1-11, việc quản lý, thu/nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã có một số thay đổi theo quy định tại Thông tư 133/2014 của Bộ Tài chính, thay Thông tư 197/2012.
Không truy thu xe máy
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết quy định mới không có nhiều thay đổi về mức phí đối với xe máy. Cụ thể, mức phí đối với xe máy có dung tích đến 100 cm3 được quy định tối đa là 100.000 đồng/chiếc/năm thay cho mức cũ quy định tại Thông tư 197 là từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/chiếc/năm. Đối với loại có dung tích trên 100 cm3, mức phí tối đa là 150.000 đồng/chiếc/năm (quy định cũ là từ trên 100.000 - 150.000 đồng/chiếc/năm). “Như vậy, mức thu tối đa vẫn như cũ, Bộ Tài chính chỉ ban hành khung để căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, UBND cấp tỉnh quyết định mức thu cụ thể cho phù hợp. Việc có tăng phí hay không là do các địa phương quyết định” - đại diện Vụ Chính sách thuế nói.
Một điểm mới của Thông tư 133 là quy định rõ mức thu phí sử dụng đường bộ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Đồng thời, quy định rõ việc miễn phí sử dụng đường bộ xe máy đối với hộ nghèo, xác định theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về hộ nghèo hoặc chuẩn hộ nghèo áp dụng tại địa phương.
Riêng đối với ô tô được thu gọn từ 11 loại xuống chỉ còn 8 loại phương tiện chịu phí. Ngoài 5 trường hợp ô tô đã được miễn phí đường bộ như trước đây (xe cứu thương, cứu hỏa, phục vụ tang lễ, chuyên dùng phục vụ quốc phòng - an ninh) sẽ có thêm 3 nhóm ô tô thuộc lĩnh vực dân sự không phải nộp phí, gồm: xe bị thu hồi giấy phép, biển số; xe của doanh nghiệp (DN) vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên; xe nước ngoài tạm nhập vào Việt Nam; các loại xe chỉ chạy trong phạm vi thuộc quản lý của DN, HTX; xe dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo lái xe.
Đáng lưu ý, Thông tư 133 chỉ đề cập việc truy thu phí sử dụng đường bộ chưa nộp từ năm 2013 đến nay đối với ô tô mà không đề cập vấn đề truy thu phí của xe máy. Cụ thể, ô tô thuộc diện chịu phí theo Thông tư 197 nhưng chưa nộp phí tính đến ngày 1-11-2014 thì phải nộp phí cho thời gian này với mức thu theo quy định tại Thông tư 197. Đối với ô tô đã nộp phí theo quy định tại Thông tư 197 nhưng chuyển sang Thông tư 133 lại thuộc trường hợp không chịu phí hoặc được điều chỉnh mức thu thì được đổi trừ hoặc trả lại phí.
Nhiều địa phương gặp khó
Chiều 3-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với ông Thân Đức Sửu, Phó Giám đốc kiêm người phát ngôn Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, để nắm thông tin về việc thu phí xe máy trên địa bàn tỉnh sau khi quy định của Bộ Tài chính có hiệu lực. Sau khi xác minh, ông Sửu cho biết việc thu phí được giao cho các xã, phường thực hiện.
Theo ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, từ cuối năm 2013, xã bắt đầu áp dụng thu phí xe máy đối với người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện rất khó khăn, số người đóng tiền ít. “Do điều kiện khó khăn nên nhiều người dân cứ khất lần mà áp dụng xử phạt thì cũng rất khó” - ông Minh nói.
Ông Nguyễn Minh Tài, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, cho biết tỉnh này đang thu phí 100.000/chiếc/năm đối với xe máy có dung tích trên 100 cm3. Tuy nhiên, khi có quy định mới của Bộ Tài chính, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh, sau đó mới tiến hành thu phí theo mức phí mới. “Hiện nay, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu, chưa trình UBND tỉnh xem xét về mức phí mới và cách thu” - ông Tài nói.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã áp dụng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy từ cuối năm 2013. Theo đó, mức thu đối với xe có dung tích dưới 100 cm3 ở các huyện là 50.000 đồng/chiếc/năm, TP Huế là 70.000 đồng/chiếc/năm; xe trên 100 cm3 tại TP Huế là 120.00 đồng/chiếc/năm, các huyện là 100.000 đồng/chiếc/năm.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết năm 2013, tỉnh này thu được 60% chỉ tiêu đưa ra, đạt từ 25-30 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, trong 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới thu được khoảng 20% so với kế hoạch cả năm là từ 30-40 tỉ đồng. “Việc thu phí bảo trì đường bộ, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới triển khai nên chưa đi vào nề nếp, người dân ý thức còn thấp nên đang gặp một số khó khăn” - ông Sơn phân tích.
Tại TP Đà Nẵng, việc thu phí đường bộ đối với xe máy được giao về cho UBND phường, xã. Sau đó, phường, xã chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí đường bộ đối với xe máy của chủ phương tiện trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thu phí này không mấy hiệu quả. Theo bà Đinh Thị Kiều Tiên, phụ trách Quỹ bảo trì đường bộ (thuộc Sở GTVT TP Đà Nẵng), việc thu phí đường bộ hiện nay vẫn được áp dụng nhưng do không có chế tài nên hiệu quả ngày càng thấp. Trong 3 tháng cuối năm 2013, TP Đà Nẵng chỉ thu được tổng số tiền là 10 tỉ đồng. Trong năm 2014, đến thời điểm hiện tại thì số tiền từ việc thu phí đường bộ với xe máy trên toàn TP mới đạt 3 tỉ đồng.
Đầu năm 2015, TP HCM mới thu phí xe máy
Đề án thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy đã được Sở GTVT TP HCM gửi đến các quận, huyện để lấy ý kiến. Theo đề án, sẽ thu 50.000 đồng/chiếc/năm cho xe có dung tích dưới 100 cm3, 120.000 đồng/chiếc/năm cho xe có dung tích từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 và 150.000 đồng/chiếc/năm cho xe có dung tích trên 175 cm3.
Riêng xe của gia đình chính sách, hộ nghèo (chiếm khoảng 3,1%) được miễn phí. Phương thức thu do các xã, phường chỉ đạo tổ dân phố hướng dẫn người dân kê khai và nộp phí. Thời gian thực hiện khai, nộp phí từ ngày 1-1-2015 thu cho cả năm 2015. Chủ tịch UBND xã, phường sẽ xử phạt hành chính nếu đối tượng không nộp phí theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển