Tin tức - Sự kiện

Nhiều tỉnh buông lỏng khai thác khoáng sản

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết vẫn còn những tỉnh vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản đã được nhắc nhở nhưng không chịu xử lý…

Buông lỏng quản lý

Số liệu Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương cung cấp, từ năm 2008 đến nay có hơn 6.200 vụ vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, xử phạt trên 40 tỷ đồng, đề nghị khởi tố 4 vụ, 16 đối tượng, trong đó có 3.343 vụ liên quan đến hoạt động khai thác tiêu thụ cát sỏi trên các dòng sông.

Ông nêu rõ 8 vấn đề nổi cộm qua rà soát 957 giấy phép cấp từ 1/7/2011 đến 31/12/2012: Một là cấp phép không đúng thẩm quyền, điển hình tại các tỉnh: Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai…; Hai là cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản; Ba là cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân, không đấu giá quyền khai thác; Bốn là cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; Năm là cấp phép khai thác khi không có giấy chứng nhận đầu tư; Sáu là cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Bảy là cấp phép khi không có báo cáo đánh giá về tác động môi trường; Tám là cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản.
 
Theo ông, công tác quản lý sau cấp phép ở một số địa phương cần phải quan tâm, đây là nguyên nhân dẫn đến tàn phá môi trường, thất thoát lãng phí tài nguyên, mất an toàn lao động và gây mất trật tự an ninh xã hội.
 
Chuyện khai thác cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu khoáng sản, nhiều công ty được phép xuất khẩu nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu như giấy phép.
 
Thí dụ, Cty CP Quốc tế Hưng Thái (Thái Nguyên) xin xuất khẩu 360 nghìn tấn quặng tồn kho, nhưng thực tế báo cáo tồn kho kê khai năm 2012 chỉ đạt trên 54%, không đảm bảo. “Như vậy giữa đăng ký xuất khẩu và khai thác có những dấu hiệu gian lận", Tướng Vương nói.
 
Về nội dung này, báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết trong những năm gần đây Bộ TN&MT thường xuyên tăng cường kiểm tra việc cấp phép khai thác khoáng sản.
 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tại buổi chất vấn sáng 29/9
 
Cụ thể, năm 2012, Bộ đã lập biên bản 35 đơn vị với số tiền 513,9 triệu đồng; kiến nghị UBND tỉnh, thành phố liên quan thu hồi 15 giấy phép khai thác khoáng sản cấp không đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; đề nghị tạm đình chỉ 2 giấy phép khai thác khoáng sản.
 
Năm 2013, Bộ đã thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với một số doanh nghiệp và địa phương, đã phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị với tổng số tiền xử phạt 305,5 triệu đồng; phát hiện và đề nghị UBND các tỉnh: Bình Định, Trà Vinh không gia hạn 15 giấy phép khai thác khoáng sản không đủ điều kiện gia hạn và thu hồi 1 giấy phép khai thác cấp không đúng quy định tại tỉnh Trà Vinh.
 
Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ tiến hành thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 5 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại 2 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại 6 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên; kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Thanh Hóa và nhiều đợt kiểm tra đột xuất khác.
 
Kết quả, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động.
 
Đến nay, đối với 22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép, đã có 18/22 tỉnh gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm, gồm: Bắc Ninh, Bình Định, Đắk Nông, Đồng Nai, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh; 2 tỉnh là Phú Yên, Tây Ninh đã khắc phục nhưng chưa triệt để.
 
Các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã khắc phục vi phạm, nhưng chưa có báo cáo nội dung việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan. Tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác khoáng sản sai thẩm quyền, Bộ đã yêu cầu xử lý nhưng không thực hiện. Bộ trưởng Quang khẳng định, đối với trường hợp các địa phương không chấp hành thì Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có phương án xử lý.
 
Rút ruột tài nguyên, xử lý quá nhẹ
 
Chưa thực sự hài lòng với cách thức xử lý đối với việc vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản, nhiều đại biểu cho rằng tài nguyên đất nước đang bị thất thoát mà cách thức xử lý còn quá nhẹ. ĐB Đỗ Văn Đương, Thường trực Ủy ban Tư pháp QH khẳng định đây là hành vi rút ruột tài sản quốc gia, hủy hoại nghiêm trọng môi trường.
 
Nhưng không dễ để thực hiện hành vi này mà phải có sự tiếp tay của các cán bộ có thẩm quyền. “Ăn hết tài sản quốc gia như vậy phải kỉ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự chứ xử lý hành chính thì quá nhẹ", ĐB Đương bức xúc. Ông đề nghị trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần quy định điều chỉnh những hành vi sai phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản. Bộ trưởng Quang thừa nhận việc xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản quá nhẹ, nhưng là làm theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng đồng tình là cần có quy định nặng hơn, thậm chí là thu hồi tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo