Xã hội

Nhiều tỉnh miền Trung ứng phó áp thấp nhiệt đới

(DNVN) - Trước việc áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão, các tỉnh miền Trung yêu cầu ngư dân đưa tàu thuyền, lồng bè vào nơi an toàn, tránh thiệt hại.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa gửi thông báo tới các đơn vị liên quan, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng cao mạnh lên thành bão. Nhiều tỉnh, thành trong vùng bị ảnh hưởng đã xuất hiện mưa to.

Người dân Quảng Nam tranh thủ cắt lúa vụ hè thu tránh ngập úng do mưa lớn. Ảnh báo Dân trí.

10h ngày 12/9, tâm áp thấp nhiệt đới ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Quảng Nam - Phú Yên khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất 60 km/h (cấp 7). Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp sẽ di chuyển hướng Tây Tây Bắc, vận tốc 15 - 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Do tác động của gió mùa Tây Tây Nam hoạt động mạnh, giữa biển Đông (quần đảo Trường Sa), khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận trong 2 - 3 ngày tới có mưa giông; có khả năng xảy ra lốc xoáy.

Ông Đặng Văn Minh – Phó chủ tịch UBND Quảng Ngãi cho hay, do nằm trong vùng áp thấp nhiệt đới đi qua, tỉnh đã ra lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Tàu thuyền trên biển vào bờ neo đậu. Tỉnh cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân ở gần cửa sông, ven biển, ngoài đê, sát vùng có nguy cơ sạt lở chủ động chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn, báo Vnexpress đưa tin.

"15h hôm nay, tuyến đường thủy từ Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn và ngược lại tạm ngưng hoạt động. Du khách còn kẹt ở Lý Sơn phải được đảm bảo chỗ ăn, nghỉ", ông Minh cho biết.

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thông báo tình hình áp thấp nhiệt đới tới ngư dân, doanh nghiệp có khách du lịch, để đảm bảo an toàn; kêu gọi người dân không được ra khơi vào thời điểm hiện tại.

 

Thống kê từ Bộ đội biên phòng, toàn tỉnh hiện có 2.514 tàu đang đánh bắt tại các vùng biển. Trong đó, 2 tàu cá với 22 thuyền viên đang làm việc tại ngư trường Hoàng Sa; hơn 100 tàu ở Trường Sa.

 "Đây là hai khu vực gần với tâm áp thấp, chúng tôi đã liên hệ được với các chủ tàu, yêu cầu vào nơi trú ẩn an toàn, thông qua icom, radio đài Nha Trang", lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên địa bàn Quảng Nam sáng nay 12/9, trời đã có mưa to đến rất to; nhiều nơi ở vùng trũng đã xuất hiện ngập úng, tuy nhiên lượng mưa chưa đủ lớn để gây ngập lụt trên diện rộng vì mưa mới chỉ mới thấm đất do tình trạng hạn hán trong mấy tháng qua trên địa bàn. Đà Nẵng sáng nay cũng đã xuất hiện mưa to kéo dài. 

Từ đêm qua kéo dài đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa và có nơi mưa rất to trên diện rộng. Nhiều tàu thuyền ngư dân trong tỉnh và các tỉnh lần cận đã cập cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cảng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn)… để tránh áp thấp nhiệt đới. 
Tại TP Quy Nhơn, trận mưa lớn đêm qua cũng khiến một số đoạn đường trong thành phố bị ngập cục bộ, một số cây xanh trong nội thành bị gãy cành.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, ngày 12/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cũng đã triển khai công tác phòng chống và kêu gọi tàu thuyền tránh trú áp thấp nhiệt đới nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc của thể xảy ra trên biển.

 

Nên đọc
Trân Châu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo