Tin tức - Sự kiện

Nhiều ý kiến về việc thành lập Hội đồng hiến pháp

Nếu duy trì cơ chế bảo hiến hiện nay thì xem như “chưa hoàn thành nhiệm vụ” cử tri giao phó. Nhưng nếu tổ chức Hội đồng Hiến pháp theo quy định tại Điều 120 lại “không đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc”.

(infonet) Thảo luận đóng góp cho dự thảo sửa đổi hiến pháp, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc lựa chọn có nên thành lập Hội đồng hiến pháp hay không?

ĐB Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước cho rằng Hội đồng hiến pháp với tên gọi như vậy còn quá chung chung, không phản ánh đầy đủ chính xác nhiệm vụ duy nhất của tổ chức này là bảo vệ hiến pháp. Ông đề nghị thay tên gọi hội đồng bảo hiến thay hội đồng bảo vệ hiến pháp, điều này sẽ nêu bật được chức năng nhiệm vụ của hội đồng hiến pháp.

ĐB Hùng cũng đề nghị thêm một nhiệm vụ, hàng năm hội đồng bảo hiến phải báo cáo kết quả của hội đồng và trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những ý kiến còn khác nhau.

Về công tác tổ chức, ĐB đề nghị quy định Chủ tịch nước là chủ tịch hội đồng bảo hiến và các thành phần khác do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn. Với tư cách là Chủ tịch hội đồng bảo hiến, chủ tịch nước sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét lại những điều được coi là vi hiến trước khi ký công bố và được thông qua. Mặt khác Chủ tịch nước có quyền sửa đổi bổ sung và hủy bỏ các văn bản vi phạm hiến pháp.

Góp ý dự thảo hiến pháp với nội dung này, bên cạnh việc đồng tình với ý kiến trên trong việc đề nghị Chủ tịch nước là chủ tịch hội đồng, một số đại biểu cũng đề nghị cần tăng hơn nữa quyền lực cho hội đồng. 

ĐB Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng quyền lực ở nước ta phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng trước khi đề xuất phương án.

Theo ông Nhân, nếu không có Hội đồng Bảo hiến, Hội đồng Hiến pháp và cũng không điều chỉnh thêm bớt bất cứ nội dung nào trong dự thảo, nói cách khác là duy trì cơ chế bảo hiến hiện nay thì đợt sửa đổi Hiến pháp lần này xem như “chưa hoàn thành nhiệm vụ” mà đồng bào, cử tri giao phó.

Tuy nhiên, nếu chọn phương án 2 tổ chức Hội đồng Hiến pháp theo những nội dung quy định tại Điều 120, ông Nhân lại cho rằng như thế “không đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc”.

Trước thực tế đó, ông Nhân kiến nghị không thành lập Hội đồng hiến pháp nếu vẫn hiến định như Điều 120 trong dự thảo. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm một cách thực chất bằng cấp pháp thành tích, phân công, giám sát. Đồng thời đề nghị giao quyền kiểm soát việc tuân thủ theo pháp luật nói chung cho Viện Kiểm sát nhân dân. Đề nghị bổ sung, khẳng định tại Điều 112 Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan tư pháp.

Góp ý hiến pháp một số ĐB cũng cho rằng, do chưa nghiên cứu đầy đủ để thiết kế mô hình tổ chức, hoạt động một cách hợp lý vì thế chưa nên quy định về Hội đồng Hiến pháp trong luật sửa đổi này.

ĐB Trương Thị Thu Trang, đoàn Tiền Giang cho rằng, ở nước ta thực tế vừa qua cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và thực tiễn mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước ta.

Tuy nhiên, đánh giá chung một cách tổng thể cơ chế này chưa thực sự hiệu quả như mong muốn nên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để bảo vệ Hiến pháp hiện hành theo hướng tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

“Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là chưa cần thiết vì sẽ làm chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này”.

 

 

Thành Nam

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo