Nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
(VOV) Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, từ Trung ương đến các bộ ngành, địa phương, từng đảng bộ cơ sở, chi bộ đã tiến hành nghiêm túc theo đúng qui trình và đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức được nâng cao, từng tập thể, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã được cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe về nguy cơ suy thoái, thấy rõ ưu điểm để phát huy, có giải pháp cụ thể và đang thực hiện nghiêm túc để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nội dung mang tính chiến đấu rất cao, đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, toàn Đảng với những giải pháp cụ thể, mà trọng tâm và xuyên suốt là chỉnh đốn Đảng từ trên xuống. Cách làm này thể hiện bản lĩnh của Đảng quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục.
Ngay sau khi có Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng với lộ trình, thời gian cụ thể. Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tập thể và từng cá nhân với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang, né tránh, nêu rõ những việc làm được và chưa làm được, kể cả những vấn đề có trách nhiệm của các nhiệm kì trước.
Những vấn đề nổi cộm đều được đặt ra phân tích và kết luận rõ ràng, minh bạch. Sau kiểm điểm lắng nghe và tiếp thu góp ý, từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều nhận rõ trách nhiệm trong vị trí mình đã và đang đảm nhiệm, có kế hoạch phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của tập thể.
Thái độ dũng cảm nhận khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bước đầu đã có sức lan toả mạnh mẽ. Sau đó, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, ban thường vụ đảng ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở trung ương, ban thường vụ và lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương đã tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tuần tự như vậy cho đến từng đảng bộ cơ sở, chi bộ và từng cán bộ đảng viên, tất cả đều làm công việc này với tinh thần thẳng thắn và nghiêm túc như cấp trên đã làm.
Ông Lê Khánh Châu, Bí thư chi bộ 10 phường Tương Mai (quận Hoàng Mai - thành phố Hà Nội) nhận xét: “Không ai làm cho mình trong sạch bằng tự mình làm cho bản thân và Đảng mình trong sạch cả. Cơ bản là thái độ của mình đối với ưu điểm khuyết điểm của chính mình. Chứ bây giờ mà sợ có khuyết điểm, không nhận khuyết điểm rồi bao che cho khuyết điểm thì không được. Phải thấy cái này tôi làm được, cái này tôi chưa làm được. Bí thư có ưu điểm thế này, có khuyết điểm thế này. Cái này là do khách quan, cái này là do năng lực, cái này là do trách nhiệm, như vậy thì đảng viên họ cũng thấu hiểu cho. Tôi nghĩ rằng đó là thái độ của đảng viên đối với Nghị quyết Trung ương 4, thái độ của đảng viên đối với Đảng. Chứ không phải là đao to búa lớn, lôi chuyện này chuyện khác, người này người khác ra mà xử lí. Thì cái đó là thành công của Nghị quyết Trung ương 4”.
Nghị quyết Trung ương 4 trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần củng cố, nâng cao và tạo sự thống nhất tư tưởng trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải chỉnh đốn Đảng. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo như Đồng Nai thực hiện bài bản việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân; Thành phố Hồ Chí Minh đề ra 6 nhóm giải pháp với 52 đầu việc cụ thể; Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Phú Yên, Khánh Hòa... kết hợp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với việc quán triệt, tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và kỉ luật trong Đảng;...
Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành trên tinh thần đồng chí đã tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, Đảng viên tự soi xét lại mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động và có giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Về cách làm công việc quan trọng này thời gian qua, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá: “Các bước, các cách làm, tôi thấy Trung ương làm như thế là cũng kín kẽ và cũng kiên quyết, thể hiện rõ thái độ, rõ trách nhiệm, đi vào những lĩnh vực quan trọng về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chấn chỉnh hệ thống tổ chức, xử lí những việc sai trái, những sự việc diễn ra ở các địa phương, ở các nơi, ở Trung ương. Lấy việc phê bình tự phê bình là dịp để kiểm điểm làm rõ và để có chấn chỉnh, khắc phục, xử lí”.
Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả như: Bộ Chính trị điều động, luân chuyển một số cán bộ cấp cao; Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, xem xét, xử lí kỉ luật một số cán bộ cấp bộ ngành, tỉnh ủy, thành ủy; Trung ương thành lập lại Ban Nội chính và Ban Kinh tế; thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng; triển khai việc xây dựng qui hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo;...
Nhiều cấp ủy địa phương qui định cụ thể về sử dụng xe công, tổ chức các hội nghị, lễ cưới, lễ tang; nghiêm cấm uống rượu bia buổi trưa trong các ngày làm việc; qui định về cán bộ lãnh đạo đi công tác nước ngoài; tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; rà soát, kiện toàn tổ chức và sắp xếp, bố trí lại cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và kết luận để điều chuyển hoặc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên, công chức có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xử lí các vụ khiếu kiện lâu ngày và đưa ra xét xử những vụ án lớn gây bức xúc trong dư luận.
Đáng chú ý là Hà Nội thực hiện thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy. Tỉnh Quảng Ninh thí điểm thi tuyển lãnh đạo chủ chốt cấp sở, ngành... Tỉnh Nghệ An chấn chỉnh việc thực hiện chính sách đối với người có công. Huyện Kim Thành (Hải Dương) xóa bỏ lò gạch thủ công và xử lí tình trạng khai thác cát trái phép,... Những việc làm cụ thể, thiết thực ấy có tác dụng tích cực, bước đầu đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Đã thấy rõ tính gương mẫu của chúng ta để có thể tạo nên một niềm tin. Và như vậy người ta sẽ thấy rằng, những công việc trước mắt cấp bách chúng ta đã dám làm, nhưng để có kết quả to hơn và mang tính bền vững hơn thì chúng ta cần phải có thời gian, và từ đó người ta cũng sẵn sàng chờ đợi, sẵn sàng góp sức vào quá trình đó” - ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên bí thư Thành ủy Hải Phòng nhận xét.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải làm một lần là xong mà phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ đối với từng tổ chức cơ sở Đảng cũng như mỗi cán bộ đảng viên. Có như vậy cán bộ, đảng viên mới có điều kiện góp ý cho nhau nhìn thấy khuyết điểm, thiếu sót để kịp thời khắc phục. Việc này góp phần làm chuyển biến tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, uốn nắn kịp thời về tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong từng vị trí công tác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng, đào tạo được nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam