Nhìn lại 5 năm nội chiến đã xới tung Syria khủng khiếp thế nào?
Cách đây 5 năm, cuộc nội chiến tại Syria bùng lên từ “đốm lửa” nhỏ khi người dân biểu tình phản đối chính phủ từ những bất mãn tích tụ lâu ngày. Ngày 19/3/2011, hàng ngàn người xuống đường biểu tình ở khắp các địa phương của nước này trong “cơn gió” Mùa xuân Ả Rập đang quét qua khu vực.
5 năm sau, từ những cuộc biểu tình ban đầu đòi tổng thống Assad từ chức, nội chiến đã khiến đất nước này tan hoang, hàng trăm ngàn người chết, mất nhà cửa phải ly tán khỏi quê hương. Không ai tưởng tượng được sau 5 năm, đất nước phồn vinh ở khu vực Trung Đông trở thành một nơi tiêu điều, xơ xác.
CNN đã thống kê 5 sự kiện nổi bật trong cuộc nội chiến Syria suốt 5 năm qua, trong đó chứng minh Mỹ và các nước phương Tây khác chỉ “đứng ngoài” chỉ tay, trong khi ưu thế chiến trường lại thuộc về liên minh của chính phủ Syria với Nga:
Vũ khí hóa học được sử dụng
Tổng thống Mỹ Obama từng tuyên bố sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” ở Syria. Nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở nước này thì Washington có thể sẽ can thiệp (bằng quân sự). Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công ở ngoại ô Ghouta, phía đông thủ đô vào ngày 21/8/2013 khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố khí độc thần kinh Sarin đã được sử dụng ở đây, Mỹ không có động thái can thiệp quân sự nào như đã tuyên bố trước đó.
Mỹ sau đó đã hợp tác với Nga trong một giải pháp ngoại giao trung gian để tiêu hủy số vũ khí hóa học mà chính quyền Assad sở hữu. Thảm sát Ghouta sẽ là sự kiện bi thương ghi dấu trong cuộc nội chiến này.
Khủng bố hiện diện ngay ngưỡng cửa châu Âu
5 năm cuộc nội chiến tại Syria cũng biến nước này thành “điểm đến” hấp dẫn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan tập kết. Hầu hết dòng người cực đoan đều qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để tràn vào Syria tham gia các nhóm thánh chiến mà nổi tiếng nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
CNN nhận định Mỹ và các nước phương Tây khác từng linh hoạt gửi quân đến Afghanistan chiến đấu chống Taliban trong suốt thập kỷ qua, nhưng khi dòng chảy các chiến binh cực đoan quy tụ về Syria để tham gia thánh chiến và các khóa đào tạo khủng bố, tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)- liên minh quân sự của phương Tây đã không huy động lực lượng rốt ráo để ngăn chặn việc này. Kết quả là từ các sân bay ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, dòng người cực đoan cứ đổ về Syria, và đó cũng là nơi chỉ huy các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ và các nước châu Âu.
Thảm sát sắc dân yazidi ở Iraq và Syria
Cuộc nội chiến tại Syria khiến chính quyền trung ương suy yếu, tạo khoảng trống cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vùng lên, chiếm cứ nhiều vùng ở Syria và Iraq.Chúng gây ra những vụ thảm sát, diệt chủng khi hoàng, đặc biệt là tội ác diệt chủng đối với người dân tộc yazidi gần núi Sinjar ở Iraq. IS dồn sắc dân này đến đường cùng khi phụ nữ bị chúng biến thành nô lệ tình dục, trẻ em nhỏ bị chúng huấn luyện thành các chiến binh nhí cảm tử còn đàn ông chúng giết hàng loạt. Hành động diệt chủng có hệ thống khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng.
Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu
Chiến sự tại Syria khiến hàng chục ngàn người phải ly tán, tìm đường tị nạn ở châu Âu tạo nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Những dòng người đi bộ xuyên lục địa, hay vượt Địa Trung Hải đến châu Âu từ Syria tạo nên mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội nhiều nước châu Âu. Những hàng rào biên giới được dựng lên, những vụ đụng độ, đàn áp, trục xuất người tị nạn. Bạo động xảy ra ở nhiều thành phố tại Đức hay khu vực biên giới Hy Lạp…Chỉ khi nội chiến Syria chấm dứt thực sự thì châu Âu mới “nhẹ gánh” di cư.
Số người chết không thể thống kê hết
Cuộc nội chiến tại Syria khiến hàng trăm ngàn người chết mà con số đến nay vẫn chưa được thống kê hết. Theo những báo cáo ước lượng của Liên Hiệp Quốc gần đây, số người chết ước khoảng 250.000 người. Trong khi số người chết từ các nguồn thống kê khác nói con số lên đến 470.000 người.
Số người chết tăng cao do trúng đạn pháo giao tranh từ các bên. Bị chính quyền Syria dội bom xuống khu vực dân cư. Máy bay không kích nhầm hay thậm chí là người dân bị chết đói khi bị vây hãm trong những thành phố, thị trấn là chiến địa của các bên.
5 năm trôi qua, không ai có thể hình dung được từ những “đốm lửa” biểu tình ban đầu, một đất nước đã bị tàn phá đến mức kiệt quệ và đẩy cả khu vực vào một cuộc khủng hoảng di dân, nhân đạo và tạo nên mảnh đất “màu mỡ” cho khủng bố phát sinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo