Nhóm thiện nguyện TMA Bình Định: 'Code thì khô nhưng tim không hề lạnh'
Hội Nữ doanh nhân Bình Định tặng mái ấm tình thương cho phụ nữ khó khăn / Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bình Định lan tỏa yêu thương dịp 8/3
Điều gì đã đánh thức tinh thần thiện nguyện trong bạn và những đồng nghiệp tại TMA Bình Định?
May Trần - Trưởng nhóm thiện nguyện Cánh diều TIP: Tất cả bắt đầu từ một chuyến đi đến chùa Mỹ Hóa (huyện Phù Cát, Bình Định – nay là tỉnh Gia Lai), nơi cưu mang hơn 40 em nhỏ mồ côi. Khi tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của các em, chúng tôi không thể đứng ngoài. Những cuộc trò chuyện giữa đồng nghiệp dần trở thành lời kêu gọi chung tay, rồi thành hành động cụ thể.
Nhóm thiện nguyện Cánh diều TIP mang yêu thương đến chùa Mỹ Hóa.
Cũng chính từ chuyến đi đầu tiên ấy, chúng tôi nhận ra rằng còn rất nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ và đó là động lực để tháng 9/2023, nhóm thiện nguyện Cánh diều TIP chính thức ra đời.
Vì sao lại là cái tên “Cánh diều”?
May Trần: Chúng tôi muốn gửi gắm một triết lý đơn giản mà thấm sâu: cánh diều chỉ có thể bay cao khi có gió nâng, cũng như những mảnh đời bất hạnh, nếu được tiếp thêm yêu thương, sẽ có thể bay lên, vươn tới tương lai. Chúng tôi muốn mình là những người “góp gió”.
Trong gần hai năm hoạt động, đâu là những dấu mốc khiến anh nhớ mãi?
May Trần: Nhóm hiện có gần 20 thành viên chính thức. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện đến Bình Định, Phú Yên, các mái ấm tình thương, vùng sâu vùng xa. Khó khăn cũng không ít, từ kinh phí đến địa hình hiểm trở. Nhưng điều giữ chân chúng tôi chính là ánh mắt biết ơn, là nụ cười trong veo của các em nhỏ, đó là thứ “nhiên liệu” đặc biệt mà không một dòng code nào có thể thay thế.
Nhiều người cho rằng dân IT (công nghệ thông tin) khô khan, ít cảm xúc. Những chuyến đi đã làm thay đổi điều đó thế nào?
Tại TMA Bình Định cũng thường xuyên diễn ra các chương trình hỗ trợ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
May Trần: Ngoài công việc, chúng tôi là những con người bình thường, có trái tim biết rung động. Tôi nhớ chuyến đi đến làng Hà Giao (Vân Canh) với 5 tiếng đường rừng, nhưng khi trao tận tay những chiếc lồng đèn Trung thu cho các em nhỏ, ai cũng lặng người. Lúc ấy, một bạn trong nhóm nói: “Code thì khô nhưng tim thì không hề lạnh!”. Câu đó gắn với chúng tôi từ đó đến giờ.
Làm sao để duy trì một nhóm thiện nguyện giữa guồng quay công việc áp lực như ngành IT?
May Trần: Chúng tôi linh hoạt sắp xếp theo tiến độ dự án. Ai bận có thể tạm lui, người khác sẽ thay phiên. Quan trọng hơn, TMA – nơi chúng tôi làm việc – là hậu phương vững chắc. Ban lãnh đạo không chỉ tài trợ cho các chương trình lớn, mà còn luôn cổ vũ tinh thần thiện nguyện, giúp nhân viên vừa vững chuyên môn, vừa sống tử tế.
Sự hỗ trợ ấy không chỉ là tài chính mà là niềm tin và sự công nhận. Đó là thứ khiến chúng tôi cảm thấy mình đang làm điều đúng.
Kế hoạch sắp tới của nhóm là gì? Có điều gì khiến anh kỳ vọng hơn nữa không?
Những kỹ sư phần mềm, lập trình viên TMA Bình Định luôn mong muốn kết nối, lan toả trái tim ấm áp đến cộng đồng.
May Trần: Chúng tôi mong có thể đến được với những vùng sâu, vùng xa hơn nữa, nơi mà sự hỗ trợ từ cộng đồng còn rất hạn chế. Cũng hy vọng sẽ có thêm anh chị em trong công ty và cả những người bạn bên ngoài cùng đồng hành, để có thể lan tỏa rộng rãi hơn tinh thần thiện nguyện đến cộng đồng.
Mỗi chuyến đi là một niềm tin, một hành động lan tỏa yêu thương. Và như tôi vẫn hay nói với các bạn trong nhóm: “Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn, cho đi là còn mãi.” Chỉ cần chúng ta không ngừng bước, cánh diều sẽ còn bay xa mãi trên bầu trời yêu thương ấy
Xin cảm ơn anh!
End of content
Không có tin nào tiếp theo