Nhờ Samsung, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2017 ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 19,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm 6%.
Tính chung 9 tháng năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm 2016 và mức tăng 7,2% của 8 tháng năm nay (Trong đó: Quý I tăng 3,9%; quý II tăng 8,1%; quý III ước tính tăng 9,7%).
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua, đóng góp 9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm mạnh 8,1%, làm giảm 1,8 điểm phần trăm mức tăng chung.
Xét theo công dụng của sản phẩm, các sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) tăng 7,2%; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 8,4%, trong đó sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 8,3%; sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 8,4%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 25,1% (tập trung ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu), đặc biệt tăng mạnh trong quý III với mức tăng 45,5% (cao hơn mức tăng 5,9% của quý I và 23,5% của quý II), chủ yếu do tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao với doanh thu dự kiến ngành điện tử cả năm 2017 đạt 1.188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016; sản xuất kim loại tăng 21,4%, trong đó có sự đóng góp của tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất (dự kiến năm 2017 sản xuất 1,5 triệu tấn thép thô với doanh thu 16,85 nghìn tỷ đồng); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,6%.
Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,6%; sản xuất trang phục tăng 6,3%; sản xuất đồ uống tăng 5%; khai thác than cứng và than non tăng 2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%.
Trong 9 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 31,6%; sắt, thép thô tăng 28%; thép cán tăng 23,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,8%; phân urê tăng 15,9%. Một số sản phẩm tăng khá: Phân hỗn hợp NPK tăng 12,9%; thép thanh, thép góc tăng 11,6%; thủy hải sản chế biến tăng 9,4%; nước máy thương phẩm tăng 9,4%; quần áo mặc thường tăng 8,7%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Giày, dép da tăng 5%; điện thoại di động tăng 3,2% (cùng kỳ năm 2016 giảm 10,7%); than đá tăng 1,9%; thuốc lá điếu tăng 0,1%; ô tô giảm 4,2%; khí đốt thiên nhiên giảm 10%; dầu thô khai thác giảm 11,1%; khí hóa lỏng (LPG) giảm 11,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Ninh tăng 25,1%; Hải Phòng tăng 20,1%; Thái Nguyên tăng 18,1%; Hải Dương tăng 11,2%; Vĩnh Phúc tăng 10,6%; Bình Dương tăng 9,5%; Đà Nẵng tăng 8,9%; Đồng Nai tăng 8,3%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 6,9%; Hà Nội tăng 6,7%; Quảng Ninh tăng 4,5%; Quảng Nam giảm 3,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,8%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024