Chứng khoán

Nhọc nhằn cổ đông mùa đại hội - kỳ 2: Ông chủ "mù" thông tin

Tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), xin ý kiến các cổ đông - những ông chủ DN - về các vấn đề quan trọng, nhưng nhiều công ty không gửi cho cổ đông các tài liệu để nghiên cứu, xem xét các vấn đề cần quyết định.

Hơn 10 năm nay, mùa đại hội nào cũng vậy, vấn đề tài liệu gửi cho cổ đông, cung cấp thông tin cho cổ đông vẫn là vấn đề nhức nhối.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, người tổ chức ĐHCĐ phải gửi thư mời tới cổ đông chậm nhất là trước 7 ngày làm việc, kèm theo các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định. Luật còn nói rõ thư mời, tài liệu… phải đăng trên website của công ty cùng với việc gửi tận địa chỉ cho cổ đông.

Dù luật quy định là vậy, trường hợp thường thấy là công ty chỉ gửi một vài tài liệu như thư mời, mẫu giấy ủy quyền. Khi đến cuộc họp, cổ đông mới được biết thêm một số tài liệu nhưng cũng không đầy đủ, hầu hết là báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, có được kiểm toán thì lại không có báo cáo kiểm toán, không có thuyết minh báo cáo đi kèm.

Chẳng hạn tại Công ty ITD, kết quả kinh doanh vài năm gần đây thua lỗ, nhưng Công ty không minh bạch thông tin, ĐHCĐ cũng không gửi tài liệu cho cổ đông đúng quy định. Tại ĐHCĐ, Công ty không cung cấp đủ tài liệu dẫn đến cổ đông cho rằng, Công ty không minh bạch thông tin, nên khởi kiện đề nghị hủy Nghị quyết đại hội đồng cổ đông.

Với những công ty thiếu minh bạch như vậy, khi đến phần thảo luận, nhiều cổ đông đã có ý kiến yêu cầu cần cung cấp đủ tài liệu cho cổ đông. Tuy nhiên, không mấy công ty vui vẻ với những các yêu cầu này và thường giải thích lý do gửi thiếu tài liệu là để đỡ tốn kém. “Tài liệu đã đăng trên website rồi, nên công ty không in nữa”, có lãnh đạo DN đã giải thích. Cũng có người chống chế, nếu cổ đông yêu cầu, chúng tôi sẽ gửi riêng sau, nhưng đây chỉ là hứa hão.

Nhiều cuộc đại hội đã chứng kiến tranh cãi nặng lời hơn thế, có công ty trả lời đề nghị cung cấp thông tin của cổ đông rằng, “thông tin về tài sản, đất đai đều có trong bản công bố thông tin khi cổ phần hóa, đến nay không có gì thay đổi nên không cần thiết phải công bố. Cổ đông mua cổ phần thì phải tìm hiểu và… tự biết”. 

Không chỉ là công bố thông tin tại đại hội, vấn đề công bố thông tin định kỳ và bất thường cũng có rất nhiều chuyện bức xúc. Thông tư 52/2013/TT-BTC quy định rất rõ về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng. Theo đó, công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký với UBCK, phải lập trang thông tin điện tử và thực hiện nghĩa vụ công bố tùy theo quy mô. Công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin như DN niêm yết, công bố BCTC bán niên có soát xét, công bố BCTC hàng quý…

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều công ty không đăng ký công ty đại chúng với UBCK, cũng không lập website. Một số công ty có đăng ký thì mang tính chất lấy lệ, không công bố thông tin đầy đủ. Ví dụ, CTCP Sơn Tổng hợp Hà Nội, có vốn điều lệ 83,2 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 40% do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam nắm giữ. Theo danh sách do UBCK công bố thì Công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ ngày 14/8/2007. Thế nhưng trong trang web của UBCK không có công bố thông tin của Sơn tổng hợp. Trang web của chính Sơn Tổng hợp Hà Nội cũng thiếu nhiều thông tin so với quy định, chủ yếu chỉ có thông tin đã cũ.

Một ví dụ khác là CTCP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, vốn điều lệ 105 tỷ đồng, phần vốn nhà nước do Sabeco nắm giữ. Công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ 28/6/2007, nhưng suốt thời gian đó đến năm 2012 đã không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin công ty đại chúng.

Đến năm 2012, Công ty mới lập website và bắt đầu có thông tin dành cho cổ đông nhưng chỉ có thông báo về tạm ứng cổ tức năm 2013 và kết quả kinh doanh quý 1/2013. Nhiều thông tin khác không thể tìm thấy trên website của DN này.

Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo