Tin tức - Sự kiện

Nhọc nhằn mưu sinh

Mỗi người một quê, một cảnh ngộ khác nhau, nhưng họ đều là những người lao động tự do, lam lũ, bươn chải ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam để lo miếng cơm, manh áo cho gia đình. Mải miết với cuộc sống mưu sinh, họ mặc sức làm đủ mọi việc mà chẳng hề để ý đến những mối nguy hiểm rình rập, quên cả những quyền lợi lao động chính đáng của mình.

 

Vất vả nơi đô thị

 

Từ khi thành phố Phủ Lý mở rộng địa giới hành chính, thực hiện nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, lượng người lao động tự do từ các vùng quê dồn về mưu sinh ngày một nhiều. Họ đều có hoàn cảnh khó khăn và là những nông dân nghèo.Trong mọi ngõ ngách, trên các tuyến phố, ở các cửa hàng, Shop thời trang, hay các khu xây dựng công trình của thành phố, đều có rất nhiều người bán hàng rong, đánh giầy, chạy xe ôm, phụ hồ, thu mua phế liệu... đang ngày đêm vất vả mưu sinh.

 

vất vả mưu sinh

 

Chị Phạm Thị Lan quê Bối Cầu, Bình Lục lên thành phố thuê nhà, đi bán hàng rong đã được vài năm nay, thi thoảng chị mới về nhà một lần. Trên chiếc xe đạp cà tàng, một bên chị buộc chiếc sọt chở dứa rồi đi khắp các con đường, ngõ hẻm của thành phố để mời chào khách mua, mong kiếm được từng đồng bạc lẻ. Chị Lan cho biết: nhà có 2 sào ruộng, một năm chỉ cấy được hai vụ lúa, chăn nuôi thêm vài con gà, con vịt nên chẳng đủ ăn. Con cái thì ngày một lớn, học hành tốn kém, thi thoảng lại có công nọ việc kia, chẳng biết lấy tiền ở đâu mà tiêu. Chồng chị đi phụ hồ gần nhà. Mùa nào thức nấy, có dịp chị bán dứa, có dạo lại bán ổi, xoài... Một tháng trừ mọi chi phí, chị cũng tích cóp gần 2 triệu đồng lo cho gia đình.

 

Ở thành phố Phủ Lý, nếu có việc cần thì cũng không khó tìm thuê những người lao động hàng ngày ngồi chờ việc tại các điểm “chợ người” tự phát trên đường Trần Phú, khu vực gần cầu Phù Vân, khu nhà thờ đường Biên Hòa, chợ Phủ Lý... Họ ngồi chờ việc thành từng tốp hai, ba người, có nhóm hơn mười người. Họ không từ chối làm bất cứ công việc gì bằng sức lao động, từ dọn dẹp phế thải, dọn đồ chuyển nhà đến xúc đất, bốc vác, vận chuyển vật liệu xây dựng... miễn là có việc và có chút tiền mang về cho gia đình.

 

Một nhóm lao động tự do

 

Chúng tôi đến điểm “chợ lao động” ở ngã tư đường Mạc Đĩnh Chi giao với đường Trần Phú. Một tốp gần mười người, có cả nam và nữ, đều ở độ tuổi trên dưới 50 tuổi, đang ngồi uống nước chè, nói chuyện rôm rả ngay ven đường, bên cạnh là chiếc xe bò cải tiến. Thấy chúng tôi đến, một chị hỏi: “Chú em cần người làm việc gì đấy? Chúng tôi bảo: “bọn em có việc đi ngang qua đây thôi”. “Thế thì ngồi làm chén nước chè đã, khi nào có việc cần thì gọi”- một anh trong nhóm đon đả mời.

 

Ngồi nói chuyện một lúc, một chị tỏ vẻ cảnh giác: “Em hỏi chuyện cứ như là phóng viên ấy. Đừng có ghi âm, chụp ảnh, viết bài nhé. Cái nghề mạt hạng ấy mà, hay ho gì đâu”. Chị Ngát thì chẳng giấu giếm gì, cứ bộc bạch: “Gần 15 năm nay rồi, nhóm chị có hơn 10 người, ngày nào cũng ngồi ở đây chờ việc, chẳng biết làm nghề gì ngoài công việc này. Ngày nào nhiều việc thì được 200 - 250 nghìn đồng, ngày ít thì được ba, bốn chục nghìn, cũng có khi chẳng được đồng nào. Công việc thì tự phân chia nhau thôi. Dạo này, việc ít hơn so với cuối năm ngoái”.

 

Ông Phúc và ông Móm không quản ngại việc nặng nhọc

 

Đến khu vực chợ Phủ Lý, hỏi bất cứ ai buôn bán cũng đều biết hai “cửu vạn” già, có thâm niên hơn ba mươi năm bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xích lô, xe bò cải tiến. Đó là ông Lê Văn Móm ở Ngô Gia Khảm, phường Châu Sơn và ông Phúc, có biệt danh Phúc Đại Cầu, ở xã Tiên Tân. Hai ông đã trên dưới bảy mươi tuổi, nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh trong việc vận chuyển hàng hóa thuê. Ai có nhu cầu thuê, hai ông đều rất nhiệt tình và bao gờ cũng làm cùng nhau, trừ khi việc ít thì nhường nhịn, để một người làm. “Mỗi chuyến xe chở hàng được trả công 10 - 15 nghìn đồng, cũng có khi nhiều hơn, tùy theo đoạn đường dài hay ngắn, khối lượng hàng hóa. Nếu có việc đều đều thì mỗi ngày cũng kiếm được 200 nghìn đồng” - Ông Lê Văn Móm chia sẻ.

 

Đối mặt nguy hiểm, chịu thiệt thòi

 

Chưa có mộ số liệu nào thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu thực tế, không chỉ riêng ở thành phố Phủ Lý, mà trên địa bàn toàn tỉnh, hầu hết lao động tự do đang làm việc mang tính nhỏ lẻ, thời vụ .Có lẽ do nhận thức hạn chế và vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn chấp nhận làm việc vất vả, nặng nhọc trong môi trường lao động không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn…Người sử dụng lao động cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chứ chưa thực sự quan tâm vấn đề an toàn cho người lao động.

 

Vì miếng cơm manh áo, lao động tự do bất chấp nguy hiểm

 

Có mặt tại một số công trình nhà cao tầng đang thi công, tận mắt chứng kiến những người phụ nữ oằn mình xúc cát, xi măng trộn vữa; những người thợ xây thì mải miết làm việc trên giàn giáo chênh vênh, không có bảo hộ lao động, không lưới an toàn xung quanh, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những lao động tự do. Nhiều công trình xây dựng nhà ở tư nhân thì chỉ sử dụng tre, gỗ tạp dựng thành giàn giáo rồi lót thêm vài tấm ván làm chỗ đi lại, luôn tiềm ấn mối nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.

 

“Công việc của thợ xây rất nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều khi phải làm việc ở độ cao vài chục mét, hoặc thi công ngay sát đường dây điện cao thế, rất nguy hiểm. Nhiều năm làm thợ xây, từng làm thuê cho nhiều chủ thầu, xây nhiều công trình, nhưng tôi chưa hề được trang bị bảo hộ lao động, cũng không bao giờ ký hợp đồng lao động” – Anh Nguyễn Văn Khởi, quê xã Bắc Lý, Lý Nhân, cho biết.

 

Anh Trần Văn H. một chủ thầu xây dựng công trình tư nhân ở phường Liêm Chính cũng thừa nhận: đa số thợ xây, thợ phụ hồ làm việc cho anh tại các công trình đều làm việc theo thời vụ, chỉ “thỏa thuận miệng” với nhau, chứ không có văn bản giấy tờ gì. Họ chỉ quan tâm đến đồng lương cao hay thấp.

 

Giàn giáo tạm bợ, nguy cơ tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào

 

Một thực tế đáng buồn nữa là ởmột số công ty, cơ sở sản xuất tư nhân, người lao động thời vụ được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động thì quyền lợi cũng được bảo đảm, rất thiệt thòi. Chị N.T.T. quê huyện Duy Tiên, là nhân viên trực tổng đài của một hãng taxi trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho hay: “Công ty có ký hợp đồng lao động, nhưng người lao động phải tự đóng 100% BHXH, BHYT. Chỉ là công việc tạm thời, vả lại, lương tháng được hơn 2 triệu nên tôi không tham gia đóng BHXH, BHYT”.

 

Đa số người lao động tự do trên địa bàn thành phố Phủ Lý nói riêng, toàn tỉnh Hà Nam nói chung, đang phải làm việc trong môi trường độc hại, không được ký kết hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế và cũngkhông có bảo hộ lao động. Họ đang ngày đêm bán sức khỏe lao động để mưu sinh, luôn phải đối mặt với tiềm ẩn nguy cơtai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chịu rất nhiều thiệt thòi về tiền công ít không xứng đáng với công sức bỏ ra.

 

Người lao động tự do nơi đây đang rất cần những biện pháp bảo vệ, được tạo điều kiện tham gia các loại hình bảo hiểm. Họ cần có tổ chức đứng ra đại diện cho lực lượng lao động tự do, để thoả thuận với chủ khi thương lượng về thời gian, giá cả, điều kiện việc làm. Họ cũng mong muốnđược trang bị kỹ năng, hiểu biết chính sách pháp luật lao động, được tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn lao động.

 
 

 

Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo