Tin tức - Sự kiện

Những bí ẩn ngạc nhiên ở làng cổ Kim Lan bên sông Hồng

Kim Lan có thể coi là một mảnh đất lạc lõng của huyện Gia Lâm, Hà Nội, vì bị rơi tõm vào đất Hưng Yên.

Người ta chặt khúc nó khỏi xã Bát Tràng bởi con sông đào Bắc Hưng Hải từ năm 1958. Thế là dân xã Kim Lan muốn về nhà mình phải đi nhờ đường qua xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tủi thân mấy cũng phải chịu, Kim Lan thui thủi như bị bỏ quên, không biết ngày nào mới có đường riêng của làng mình… 

Chuyện rắn thần ở bãi tha ma 
 
Xã Kim Lan chạy dọc sông Hồng xuôi về phía Nam khoảng 5 cây số. Có những khúc, đất thường bị lở mỗi khi mùa lũ lụt to, nên đình và chùa làng chỉ còn cách mép sông không là mấy. Đầu làng có bến đò Kim Lan - Lĩnh Nam, sang bên kia sông đi thẳng là tới phố Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai. Cuối làng giáp với bến phà Yên Sở - Văn Đức, qua sông về Khuyến Lương. Nhưng trước khi rẽ vào bến đò này, ai cũng phải đi qua bãi tha ma của xã Kim Lan, với những cảm giác hãi hùng vì câu chuyện cặp rắn thần đang sống ở đây. 
 
Gốm hoa Lam thế kỷ XV
 
Biết bao chuyện bí ẩn về cặp rắn thần trong những năm gần đây. Thực ra, đó là cặp rắn hổ mang chúa, đã sống lâu năm trong một bụi duối rậm rịt, ở bãi tha ma. Đây là mảnh đất hoang dại lâu nay đầy cỏ lác, bên một cồn cát khổng lồ, xa dân cư ở cuối xã. Không hiểu người ta đã tạo nên sa mạc cát này từ bao giờ, và đã được gọi với cái tên “Bãi khai thác cát Kim Lan”, nằm ngay kế bên là nhà xe tang nghĩa trang. Tối đến không ai dám đi qua. Tứ bề là gió từ sông và cát bay bụi mờ trời đất. Vắng lặng và âm u. Chỉ có tiếng côn trùng hoang hoải vang lên từ những bụi cây trên bãi sông. 
 
Ấy vậy mà có người đã và đang sống ở đây, bên cạnh bãi tha ma lạnh vắng này. Đó là anh Nguyễn Văn Tuấn, người đã thuê đất hoang ở Kim Lan để khai thác, trồng trọt, trong vòng 30 năm. Phải nói anh là người gan dạ, dựng nhà tạm để ở mỗi khi phải ngủ lại, nhất là vào mùa thu hoạch cam. Nhưng đến khi vợ chồng anh gặp cặp rắn vào phơi nắng trong vườn cam nhà mình, thì mới thấy dựng tóc gáy, mỗi khi có tiếng động trong đêm tối. Mãi rồi cũng quen. 
 
Anh còn kể, một lần đi về lán thì gặp đôi rắn thần bò ngang qua, anh đợi rồi lại đi tiếp. Lần này anh nhìn rất gần nên áng chừng mỗi con dài 2,5m và thân to bằng bắp chân mình. Dân làng cho là rắn thần sẽ phù hộ cho dân làng làm ăn nên yên tâm. Nhưng rồi, anh bùi ngùi nhớ lại cách đây một năm có kẻ đến săn và bắt được một con, đem bán cho làng Lệ Mật làm thịt. Nhưng thật quả báo, chỉ đến chiều tối khi cầm tiền về nhà, người thợ săn này đã bị hộc máu chết, hết sức bí ẩn. Anh Tuấn biết chuyện này, khi gia đình người thợ săn đến làm lễ tạ tội, tại bụi duối cổ trong bãi tha ma. 
 
Từ đó, con rắn còn lại ở ẩn hẳn trong hang, chỉ tối thỉnh thoảng mới ra kiếm ăn. Đột nhiên mới đây, anh Tuấn thấy con rắn lại ra phơi nắng tại vườn nhà, nên vội lấy điện thoại chụp lại. Sau đó, anh còn gọi cho mấy người bên truyền hình sang quay, nhưng không kịp. Mấy kiểu ảnh chụp khá gần nên còn rõ cả chi tiết. Xem ra chú rắn này thật sự thân thiện.
 
Đột nhiên, anh Tuấn dẫn tôi ra trước ngôi mộ của nhà khảo cổ Nishimura Masanari (người Nhật Bản), rồi nói ông tiến sĩ này cũng tuổi rắn đó (sinh năm 1965). Nishimura được coi là người con của làng, với những điều hết sức lạ lùng, qua chuyện đào bới ở di chỉ khảo cổ tại làng. Anh còn chỉ đường cho tôi, tìm đến gặp ông Nguyễn Việt Hồng, một nghệ nhân gốm lâu năm của xã Kim Lan.
 
Kho báu dưới bãi Rồng
 
Gặp tôi ông Hồng kể ngay đến chuyện, làng ông mỗi lần bị lở đất vì lũ sông Hồng, là một lần những chuyện cổ tích lại hiện ra. Ông nói, đầu tiên là những đứa trẻ ra bãi lở nhặt được những đồng tiền xu rất lạ. Không mấy ai để ý chuyện trẻ con. Nhưng có người bới được hẳn một hũ tiền, cùng với những bình gốm cổ, thì câu chuyện đã gây xôn xao. 
 
Và đến khi có người sưu tầm đồ cổ tìm mua, lúc đó mọi sự đã trở nên xáo động bất ngờ. Đó là những sự kiện của Kim Lan vào những năm cuối thế kỷ XX. Ông Hồng và một số người già đã từng là những thợ gốm bên Bát Tràng cũng đi đào bới nhặt nhạnh, với thú sưu tầm những đồng tiền cổ và những mảnh gốm kỳ lạ trên bãi đất của làng mình. 
 
Những hiện vật gốm ở thế kỷ XI-XII
 
Thế rồi vào đầu năm 2001, một người Nhật còn trẻ tuổi, cùng những nhà khảo cổ đã tìm Kim Lan, với kế hoạch khai quật tại đây. Họ đã tìm đến ông Hồng, như một đại diện cho nhóm những người làm nghề gốm, để hợp tác khảo sát. Và, cũng từ đó ông trở nên thân thiết với nhà khảo cổ Nishimura, với những ngày lăn lộn khảo sát bên sông Hồng. 
 
Và quả thực, chính ông Hồng cũng không ngờ tới những bí ẩn, đã được các nhà khảo cổ khám phá, tại chính quê hương mình. Ông ví đó là những câu chuyện cổ tích đã được viết tại bến sông nay. Trải qua những đợt khai quật, vào các năm từ 2001, 2003 và 2005, với hàng ngàn hiện vật cổ đã được phát hiện. Các nhà khoa học đã có những kết luận hết sức kỳ diệu về lịch sử ngàn năm của Kim Lan. 
 
Lúc này ông Hồng mới mở tài liệu như muốn công bố kho báu lịch sử của làng mình. Ông hồ hởi nói về đồng tiền cổ, như một minh chứng đanh thép cho lịch sử hơn 1.000 năm của Kim Lan. Bởi ông có những đồng tiền Ngũ Thù, ghi dấu niên đại từ thời Tây Hán, Đông Hán cho tới nhà Tùy. Bộ sưu tầm còn có những đồng tiền cổ khác, qua từng thể chế phong kiến sau này, đã từng lưu hành trong thị trường. 
 
Ngay sau đó ông lấy ra một bộ sưu tầm đưa cho tôi xem, với những chú thích chi tiết, từng đồng xu một để làm minh chứng. Nhưng có lẽ điều ông vui nhất là chuyện, các nhà khảo cổ đã chứng minh được Kim Lan đã có nghề làm gốm từ ngàn năm qua. Theo kết luận bằng những di vật được soi rọi bằng công nghệ và khoa học hiện đại, thì nghề gốm Kim Lan đã cực thịnh từ thế kỷ thứ XIII. Riêng chuyện tìm được viên gạch Giang Tây Quân có ở di chỉ Hàm Rồng ở Kim Lan, chính là những viên gạch xây Thành Thăng Long xưa, thì các nhà khảo cổ đoán định ở quê ông đã có lò gốm từ đó.
 
Nói đến đây, ông Hồng chậm rãi kể thêm, ở làng ông có miếu thờ Cao Biền, một danh tướng thời nhà Đường sang cai quản nước ta thời Bắc thuộc. Theo sử sách ghi chép, chính Cao Biền một lần đi qua làng Kim Lan, thấy nơi đây trù phú và giầu có bên sông Hồng, nên đã cắt cử quân ở lại lập doanh trại. Họ đã cùng dân chúng trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và mở lò gốm làm gạch xây nhà… 
 
Phải chăng từ đó, mà nghề làm gốm thực ra đã hình thành ở Kim Lan, cỡ ngàn năm chứ không ít hơn. Ông còn cho hay, hiện nhà sưu tầm Lê Ngọc Việt ở Hà Nội là người đang sở hữu một số vật dụng gốm sứ Kim Lan từ thế kỷ XIII, được định giá rất đắt trong thị trường hiện nay.
 
Bảo tàng xã đầu tiên trong cả nước
 
Về chuyện xã Kim Lan, năm ngoái khai trương Bảo tàng cổ vật gốm, chính là những kết quả của những đợt khảo cổ tại bãi Hàm Rồng. Bảo tàng còn có nhiều di vật của ông Hồng và các bạn đồng nghiệp cùng thời trong nhóm sưu tầm mang tên “Tìm về nguồn cội của làng” được thành lập mấy năm nay. Tiến sĩ Nishimura là người để xuất lập bảo tàng gốm cổ này, và đã đi vận động được quỹ tài trợ từ Nhật để đầu tư xây dựng. Nhưng thật đau xót biết chừng nào, Bảo tàng gốm cổ của xã hoàn thành và hoạt động chưa đầy năm, thì Tiến sĩ Nishimura bị mất vì tai nạn giao thông, vào tháng 6/2013. 
 
Nghệ nhân Nguyễn Việt Hồng với bộ sưu tầm tiền cổ
 
Cái chết của một người bạn lớn trong ngành khảo cổ Việt Nam đã gây xúc động sâu sắc cho dân làng Kim Lan. Ông Nishimura coi Kim Lan chính là quê hương thứ hai của mình. Hai vợ chồng Tiến sĩ Nishimura đã nên duyên từ cuộc tình trong sự nghiệp khảo cổ tại Việt Nam. Kim Lan là một trong số những công trình nghiên cứu và thành đạt học vị tiến sĩ của cả hai người. Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Nhung, thành viên trong nhóm “Tìm về cội nguồn của làng” cho biết, cả hai vợ chồng Tiến sĩ Nishimura tận dụng mọi điều kiện để hỗ trợ cho Kim Lan trong hơn mười năm gắn bó với dân làng. Chính vì lẽ đó, dân Kim Lan đã chấp nhận cho người con của họ trở về, với giấc ngủ ngàn thu tại quê hương.
 
Mới đây, Bảo tàng Kim Lan đã được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái, lần thứ 6 mang tên “Vì tình yêu Hà Nội”, vào ngày 29/8/2013. Người vợ đã mang di ảnh của chồng, Tiến sĩ Nishimura đến nhận giải, thể hiện tình cảm thân thương và niềm tự hào của người con Thủ đô. Cả hai người đã đóng góp phần khám phá những di sản quý báu của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
 
Khúc ru
 
Trước khi chia tay, ông Nguyễn Viết Hồng giở lại cho chúng tôi xem những hình ảnh ghi lại quá trình khảo sát, lao động vất vả của Tiến sĩ Nishimura trên di chỉ khảo cổ Hàm Rồng. Sau đó, ông đọc cho tôi nghe những câu ca ru của ông gửi cho lớp con cháu sau này, để ghi nhớ hình ảnh của làng mình. Giọng khê nồng, phả hơi lò nung gốm của một nghệ nhân, vào tuổi 80 mà sao da diết đến vậy: “Nhớ về làng cổ quê tôi/ Bên dòng sông Nhị đắp bồi ngàn năm/ Trồng dâu dệt lụa nuôi tằm/ Đất nung đỏ gốm như trăm làng nghề…”.
 
Nhưng rồi ông buồn rầu nói về con đường của làng như một nấc cụt cuối hơi. Mong một con đường. Bao giờ mới hết chuyện đi nhờ? Ông lim dim mắt mơ con đường về làng. Tôi cũng chẳng biết nói sao, nhưng cũng ước cùng ông rằng, Kim Lan là đất của những câu chuyện cổ tích mà. Biết đâu ngày mai trên con sông đào kia sẽ mọc lên một con đường trở về đất kinh kỳ ngàn năm như thuở nào. Mong là thế.
VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo