Những cái tên lọt tầm ngắm Kiểm toán Nhà nước năm 2015
Đó là thông tin được đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2015 được tổ chức sáng nay 20/3.
Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước: Năm nay, số lượng các quỹ thuộc diện kiểm toán tăng so với mọi năm, trong đó có những cái tên như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Môi trường than khoáng sản và Quỹ Thăm dò. Việc những quỹ trên nằm trong mục tiêu kiểm toán năm nay nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong việc thực hiện các chương trình và chính sách lớn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội.
Mục tiêu kiểm toán năm 2015 cũng đã được Kiểm toán Nhà nước thông báo cụ thể, chi tiết. Trong đó tập trung vào 4 trọng tâm kiểm toán, bao gồm: thu chi ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương; công tác quản lý vốn đầu tư tại các dự án; thực trạng tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng cùng việc sử dụng vốn tại một số chương trình mục tiêu quốc gia và quỹ đầu tư, phát triển.
Ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh mục tiêu kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách ở các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, năm nay Kiểm toán Nhà nước sẽ làm rõ việc thu chi ngân sách 2014 của 18 bộ, ngành, cơ quan và 50 tỉnh, thành, trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của 26 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Sông Đà, Cảng hàng không, Thuốc lá, Vinaconex, Mobifone…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng làm rõ việc sử dụng vốn ngân sách tại hàng loạt ngân hàng như: Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Công ty Chứng khoán Agribank, Công ty Chứng khoản BIDV, Công ty Chứng khoán Vietcombank và các công ty bảo hiểm của các ngân hàng nói trên.
Có 3 ngân hàng thương mại cũng được Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách kiểm toán việc thực hiện đề án tái cơ cấu, bao gồm: Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng BIDV.
Lĩnh vực quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng của Bộ Quốc phòng. Kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách năm 2014 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng; Quân chủng hải quân....
04 dự án của Tập đoàn Viễn thông Quân đội: Dự án Nhà công nghệ cao 25 tầng Hòa Lạc; Dự án đặt máy Viettel Hòa Lạc; Dự án Tổng trạm viễn thông Viettel khu vực phía Nam; Dự án trụ sở điều hành và Trung tâm thương mại Viettel cùng 03 dự án được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng vào diện kiểm toán trong năm nay.
Kiểm toán Nhà nước cũng đưa vào diện cần kiểm toán và kiểm toán thường xuyên nhiều dự án đầu tư lớn như: Nhà ga T2 Nội Bài, Dự án đầu tư xây dựng Công trình Nhà Quốc hội, Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, Dự án Thủy điện Hủa Na...
Về kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán công tác quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ năm 2014 của 09 bộ, cơ quan trung ương bao gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư...; 31 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Phú Thọ....
Tiếp theo là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014 tại Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công tác quản lý nợ công năm 2014 của 03 bộ, cơ quan trung ương và 02 ngân hàng: Chính sách xã hội và Phát triển Việt Nam.
Có thể nói, mục tiêu năm 2015 được Kiểm toán Nhà nước đưa ra rất rõ ràng, nhằm tập trung phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị sử dụng ngân sách. Với kế hoạch được đánh giá là rất bài bản này, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp cũng sẽ được xác định rõ, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, bảo đảm các nguồn lực tài chính công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Năm 2014, toàn ngành kiểm toán đã thực hiện 191 cuộc kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán từ 188 báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 23.431,7 tỷ đồng. Trong đó: Các khoản tăng thu 4.366,1 tỷ đồng; các khoản giảm chi 6.897,6 tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước 3.328,2 tỷ đồng; các khoản nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước 8.808,4 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 31,4 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 99 văn bản không phù hợp với quy định chung của nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết