Những cây cầu làm nên diện mạo Hà Nội
Cầu Long Biên
Nhắc đến Hà Nội, bên cạnh những hồ Gươm, hồ Tây, chùa Một Cột, Văn Miếu, ta không thể bỏ qua cầu Long Biên - một chứng nhân hùng hồn của lịch sử Việt Nam. Trải qua hai cuộc trường chinh cùng dân tộc, cầu Long Biên hội tụ đủ ý nghĩa về kinh tế, kỹ thuật, lịch sử và văn hóa.
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành hơn ba năm sau đó. Cầu bao gồm một đường sắt đơn dành cho tàu hỏa chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đầu năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất một số phương án xây mới cầu Long Biên. Tuy nhiên, những phương án này gây nhiều tranh cãi.
Cầu Chương Dương
Những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ô tô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và cầu được mệnh danh là cây cầu dài nhất thế giới do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được.
Sau một năm chín tháng, vào ngày 30-6-1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long được mệnh danh là cây cầu thế kỷ của tình hữu nghị Việt - Xô, được khánh thành năm 1985. Cầu Thăng Long bắc ngang qua sông Hồng, trên quốc lộ Nam Thăng Long, là con đường nối liền thủ đô Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Tổng chiều dài của cầu là 3250m.
Cầu Thăng Long có kết cấu hai tầng gồm cầu đường bộ và đường sắt đi chung. Cầu có 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ.
Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm). Cầu Thanh Trì được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay.
Cầu Thanh Trì được khởi công ngày 30 tháng 11 năm 2002, hợp long ngày 18 tháng 8 năm 2006, thông xe ngày 2 tháng 2 năm 2007 và được chính thức khánh thành ngày 9 tháng 10 năm 2010.
Cầu Vĩnh Tuy
Cầu Vĩnh Tuy là một cây cầu bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công xây dựng ngày 3 tháng 2 năm 2005, dự kiến khánh thành tháng 5 năm 2007. Nhưng do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ khánh thành cầu đã bị chậm lại. Đến ngày 25 tháng 9 năm 2009, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới chính thức cắt băng khánh thành thông xe cây cầu rộng nhất Việt Nam này. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Cầu Vĩnh Thịnh
Cầu Vĩnh Thịnh nằm trên Quốc lộ 2C là cây cầu bê-tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo thiết kế, cầu Vĩnh Thịnh được xây dựng trong 36 tháng, khởi công tháng 12/2011 hợp long toàn bộ cầu chính vượt sông đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tuy nhiên, vào ngày 8/6/2014, cầu Vĩnh Thịnh đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng chỉ trong 29 tháng, vượt hạn mức thời gian gần 7 tháng, lập nên kì tích chưa có tiền lệ trong lịch sử xây dựng cầu đường Việt Nam.
Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân bắt đầu tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh, mục đích rút ngắn đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội. Cầu được khởi công xây dựng ngày 07 tháng 03 năm 2009 và dự kiến hoàn thành nhân kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội 1000 năm. Tuy nhiên cho đến nay, cầu Nhật Tân vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết đến khi nào mới có thể khánh thành.
Cầu Đông Trù
Cầu Đông Trù được xây dựng bắc qua sông Đuống, nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa phận xã Đông Hội, huyện Đông Anh, phía bắc Hà Nội. Cầu được khởi công xây dựng ngày 10 tháng 9 năm 2006.
Hôm qua (9/10/2014), cầu Đông Trù được thông xe, là một trong những Dự án kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô.
End of content
Không có tin nào tiếp theo