Những chiêu trò thu nông sản lạ của thương lái Trung Quốc
Thương lái Trung Quốc thu mua cam non
Theo nguổn tin trên báo Người lao động, sáng 19/5, ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Chúng tôi vừa lập biên bản một chủ vựa thu mua cam non tại xã Đông Phước.
Điểm này thu mua cam non của các nhà vườn khắp nơi đã 1 tháng nay với mỗi kg là 600 đồng, bán lại cho thương lái 800 đồng/kg. Mỗi ngày cơ sở này thu mua khoảng 300 kg”.
Theo ông Hành, chủ vựa này được người thân bên thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) giới thiệu có người muốn mua cam non nên người này mới đi thu gom trong dân. Tuy nhiên, họ mua cam non để làm gì thì không ai biết.
Huyện Châu Thành có diện tích trồng cam sành lớn nhất tỉnh Hậu Giang với khoảng 4.600 ha. “Phòng đã gửi công văn đến các xã và đài truyền thanh tuyên truyền cho người dân biết, không nên hái cam non bán cho thương lái. Nếu ồ ạt hái bán sẽ thiếu nguồn cung ra thị trường. Trong khi cam sành luôn có giá bán cao từ 20.000-30.000 đồng/kg” - ông Hành nói.
Thương lái lùng sục mua cau non bất thường
Từ đầu tháng 5, thương lái miền Tây lùng sục khắp nơi thu gom cau non với giá cao ngất ngưởng.
Đặc biệt, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trở thành điểm tập kết cau non từ nhiều địa phương chuyển về.
Cau non được các thương lái thu mua với mức giá 40.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi giá cau già chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Vì giá cao nên nhiều người dân sẵn sàng đốn buồng cau non để bán.
Nhiều nông dân ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền thông tin: “Thương lái đang lùng sục mua cau non từ ấp này sang ấp nọ...
Thương lái săn lùng hạt ươi
Thời gian gần đây tại một số huyện của tỉnh Kon Tum, thương lái người Trung Quốc lại tìm đến thu mua hạt ươi.
Việc này khiến nhiều người dân tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy đổ xô vào vùng rừng giáp ranh với Campuchia tại huyện Sa Thầy, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hái ươi về bán.
Ngày 17/5, đại lý thu mua nông sản N.L trên địa bàn huyện Ngọc Hồi vẫn còn khoảng hơn 5 tạ hạt ươi khô chờ bán. Ông L., chủ cơ sở này cho biết, không chỉ có thương lái ở TP Kon Tum, TP HCM, Hà Nội đến hỏi mua hạt ươi, mà còn có cả thương lái người Trung Quốc.
“Mấy hôm trước có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng. Nhưng số lượng lớn quá mà gần cuối vụ rồi nên tôi không đồng ý”, ông L. nói.
Trao đổi với phóng viên báo NLĐ, bà H., một đại lý thu gom lớn tại huyện Ngọc Hồi, cho biết lúc cao điểm mỗi ngày bà thu mua 2,5-3 tấn ươi và bán sang Trung Quốc. “Tôi chỉ nghe nói hạt ươi có tác dụng mát gan, thanh lọc cơ thể, chữa vôi cột sống. Còn bên Trung Quốc họ mua làm gì thì tôi cũng chịu”, bà H nói.
Theo người dân ở đây, những năm trước cũng có hạt ươi nhưng rất ít. Năm nay là năm nhuận nên ươi mới vào chính vụ. “Cứ 4 năm mới có một lần, nhưng giờ rừng hết rồi nên chúng tôi phải đi rất xa mới hái được quả ươi”, anh H.T.K (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) cho biết.
Nhóm 6 người của ông T.V.N (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) sau gần một tuần lặn lội vào khu vực rừng giáp ranh Campuchia, đã nhặt được hơn 200 kg hạt ươi mang về bán với giá 190.000 đồng/kg. Ông N. cho biết đây là lần thứ năm ông đi tìm ươi trong năm nay.
“Bốn chuyến trước chúng tôi đi rồi về chia nhau, mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng”, ông N. nói. Những cây ươi bay (quả già tự rụng) sẽ bán được giá cao hơn loại ươi phải chặt hạ cây để hái.
Người dân ở xã Sa Loong chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đi lấy ươi một mùa bằng cả năm thu nhập từ nương rẫy, nên có rất nhiều người cùng đổ xô vào rừng chặt ươi lấy hạt. “Những ngày đầu mùa người ta đi vào rừng này kiếm ươi như đi trẩy hội, càng cuối vụ số người vào rừng hái ươi càng ít. Nguyên nhân là do phải đi xa mới tìm được, và nếu không may gặp trận mưa thì hạt ươi sẽ nở không còn giá trị”, ông N. cho biết.
Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, thực tế tình trạng khai thác ươi không nhiều. “Người dân vào rừng chỉ nhặt hạt ươi bay chứ không chặt hạ cây. Nhưng hiện tại đã có mưa nên không ai vào rừng lấy ươi nữa”, vị này cho biết.
Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết hạt ươi là lâm sản phụ nên người dân có thể vào rừng nhặt loại rụng, nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn.
Cũng theo ông Bình, những năm trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây kim cương, lá sâm. Riêng việc mua hạt ươi thì chưa nhận được thông tin.
Mua hoa thanh long chưa nở
Nửa tháng nay, tại địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Long An) và huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) xuất hiện nhiều thương lái đến thu mua hoa thanh long để cung ứng cho thị trường Trung Quốc.
Chủ của một địa điểm thu mua hoa thanh long tại Tiền Giang cho biết, cơ sở này chọn mua chưa nở (dạng nụ) với giá từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg, để bán lại thu lợi 1.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, người này cũng không biết hoa thanh long dùng để làm gì, chỉ biết đầu ra cuối cùng là bán cho thương lái Trung Quốc.
Tại một xưởng sấy hoa thanh long ở Trà Vinh, chủ xưởng cho biết, mua hoa thanh long là dùng để pha trộn với một số loại trà cao cấp, vì hoa thanh long sau khi sấy có mùi thơm ngọt đặc trưng.
Ngoài ra, hoa thanh long được thay thế cho rau trong những bữa ăn ở Trung Quốc.
Trước tình trạng thu gom nông sản một cách bất thường của thương lái, các đơn vị chức năng của các địa phương đang diễn ra tình trạng trên đã có những khuyến cáo cho người dân. Tuy nhiên, ơn ai hết, chính người dân, thương lái Việt phải tỉnh táo trước chiêu trò của thương lái Trung Quốc, nếu không lại rơi vào bẫy, để rồi lại “ôm quả đắng” mà chẳng biết tỏ cùng ai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

VEF Global bắt tay quỹ ngoại GDCT, 'đón sóng' đầu tư cho startup
AI tạo sinh: Tiềm năng nhưng không dễ ứng dụng trong kinh doanh
Đà Nẵng sẽ kiểm tra giá dịch vụ dịp lễ hội pháo hoa
Lời giải cho bài toán 'được mùa mất giá' của nông sản Việt
Giá heo hơi ngày 29/5/2025: Xu hướng đi lên ở cả ba miền

Hợp tác phát triển điện hydrogen xanh tại Việt Nam