Pháp luật

Những chính sách có hiệu lực từ 1/1/2017

(DNVN) - Phạt xe máy không chính chủ, phạt lái xe khi nghe điện thoại, tăng lương tối thiểu, quy định phí làm căn cước công dân... là những chính sách có hiệu lực từ 1/1/2017.

Xử phạt xe không chính chủ

Từ 1/1/2017, CSGT sẽ áp dụng xử phạt lỗi xe không chính chủ theo Điều 30 Nghị định 46/2016. Do đó, người dân muốn sang tên đổi chủ bắt buộc phải tìm được chủ sở hữu của chiếc xe đó, sau đó có giấy chuyển quyền sở hữu của chủ xe, kèm theo xác nhận của UBND phường/xã sở tại. Nếu không tìm được chủ phương tiện, công an sẽ không giải quyết.

Từ 1/1/2017 sẽ xử phạt xe không chính chủ. Ảnh Zing news.

Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sau khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản.

Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, lỗi này phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng với cá nhân, từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng với tổ chức. 

Sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện giao thông

Một trong những quy định xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực từ đầu năm 2017 đó là: Người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. 

Theo đó, tại Điểm l Khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/NĐ-CP quy định mức xử phạt dành cho người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường từ 600.000 đến 800.000 đồng.

 

Tăng lương tối thiểu vùng

Từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng so với hiện hành. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I là 3,75 triệu đồng/tháng; 

Vùng II là 3,32 triệu đồng/tháng; vùng III là 2,9 triệu đồng/tháng và vùng IV là 2,58 triệu đồng/tháng (theo quy định cũ, các vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV tương ứng lần lượt là 3,5 triệu đồng; 3,1 triệu đồng; 2,7 triệu đồng và 2,4 triệu đồng).

Mức lương được điều chỉnh tăng kể từ ngày 1/1/2017. Ảnh Dân việt.

Quy định mức thu phí làm căn cước công dân

Theo Thông tư số 256/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và thay thế Thông tư số 170 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân (CCCD).

 

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí. Mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ CCCD được quy định ở 3 mức như sau: Mức thu 30.000 đồng/thẻ được áp dụng cho công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ CCCD.

Mức thu 50.000 đồng/thẻ được áp dụng trong trường hợp nếu thẻ CCCD bị hư hỏng không sử dụng được phải đổi thẻ; hoặc thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ.

Mức 70.000 đồng/thẻ được áp dụng đối với trường hợp xin cấp lại thẻ CCCCD khi bị mất, xin được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sẽ thu ở CCCD. Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.

Các trường hợp được miễn lệ phí gồm: Công dân dưới 16 tuổi; đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh...

Cơi nới phòng karaoke phải nộp phí

 

Cũng từ 1/1/2017, các cơ sở đã được cấp phép kinh doanh karaoke muốn đề nghị tăng thêm phòng sẽ phải nộp phí 2 triệu đồng/phòng tại thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và 1 triệu đồng/phòng nếu ở các khu vực khác.

Mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh karaoke sẽ được xác định dựa theo số phòng và khu vực. Theo đó, các cơ sở kinh doanh tại thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh phải nộp 6 triệu đồng/giấy nếu có từ 1 đến 5 phòng và 12 triệu đồng/giấy nếu có từ 6 phòng trở lên (tại các khu vực khác mức phí tương ứng lần lượt là 3 và 6 triệu đồng).

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo